Nguồn lây bệnh lao tiềm ẩn từ hơn 40% bệnh nhân chưa được phát hiện
(Dân trí) - Tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề, tuy nhiên số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm mới chỉ chiếm khoảng 57% số bệnh nhân lao ước tính.
Chia sẻ tại hội nghị giới thiệu các hướng dẫn và chính sách mới trong công tác phòng chống lao diễn ra ngày 9/1 tại Hà Nội, TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, lao là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao gây ra, bệnh lây truyền qua đường không khí nên rất khó kiểm soát.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 12 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 10 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Mỗi năm nước ta có thêm 182.000 người mắc lao mới và khoảng trên 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.
TS Lượng đánh giá, tình hình dịch tễ bệnh lao còn rất nặng nề, nhưng số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm mới chỉ chiếm khoảng 57% số bệnh nhân lao ước tính. Năm 2023, chúng ta phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể.
Như vậy, còn khoảng 43% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc được phát hiện/điều trị nhưng chưa báo cáo.
"Vấn đề đặt ra là làm sao để số bệnh nhân lao được phát hiện tăng dần lên. Nếu như toàn bộ mạng lưới y tế cơ sở vào cuộc sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao như khám sàng lọc tuyến ban đầu thì chúng ta có thể phát hiện được cả những trường hợp mắc bệnh lao không triệu chứng.
Như thế chúng ta mới chấm dứt bệnh lao như các nước phát triển. Bài toán đặt ra rất rõ", TS.BS Lượng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao còn chưa đầy đủ, người dân kỳ thị, mặc cảm, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh hoặc trì hoãn phát hiện muộn đã làm lây lan bệnh cho người khác hoặc không tuân thủ điều trị dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
ThS.BS Mai Thu Hiền, Giám đốc Dự án Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao, FHI 360, cho biết, từ năm 2020, dự án đã phối hợp cùng Chương trình Chống lao Quốc gia triển khai các hoạt động, các sáng kiến mới nhằm tăng cường năng lực hệ thống khám chữa bệnh lao tại cộng đồng và cơ sở y tế, cải thiện tiếp cận các dịch vụ toàn diện về phát hiện, điều trị và dự phòng lao.
Đồng thời, tăng cường vai trò và nguồn lực địa phương để đáp ứng với hoạt động phòng chống lao, bao gồm chuyển giao khám chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế.
Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao hỗ trợ chương trình lao ở cấp quốc gia và tại 11 tỉnh, bao gồm An Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Hội nghị cũng ra mắt ba hướng dẫn kỹ thuật mới và quan trọng gồm:
- Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.
- Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế.
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nấm Aspergillus phổi mạn tính.
Trong đó, cập nhật công cụ hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật vi sinh chẩn đoán lao nhanh; các phác đồ điều trị mới ngắn ngày hơn, hiệu quả hơn đặc biệt là trong lao kháng thuốc giúp nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh lao và lao tiềm ẩn.
Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và duy trì công tác kiểm soát bệnh lao nhằm giảm tỷ lệ mắc lao 90%, giảm tỷ lệ tử vong do lao 95% và giảm các chi phí thảm họa đối với bệnh nhân lao xuống mức bằng không.