Người tố cáo vụ “nhân bản” xét nghiệm động trời
“Cả bệnh viện biết đạo đức ông giám đốc nhưng không ai dám nói ra, không ai dám đứng lên đấu tranh. Tôi và tất cả cán bộ trong bệnh viện đã phải chịu đựng quá lâu, đã sống và làm việc quá nhục nhã. Còn nhân dân thì bị nhận một dịch vụ lừa đảo”.
Chị Hoàng Thị Nguyệt – cán bộ khoa xét nghiệm – BV Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ với phóng viên về động cơ tố cáo của mình.
Bị đè nén quá nhiều
Mục đích của chị khi làm đơn tố cáo những sai phạm xảy ra tại khoa Xét nghiệm (do Giám đốc Nguyễn Trí Liêm trực tiếp chỉ đạo) là gì?
Mục đích của tôi trước tiên là đấu tranh bảo vệ người dân huyện Hoài Đức được quyền chăm sóc, khám chữa bệnh đúng với chuyên môn và quy định của pháp luật, sau đó là bảo vệ bản thân và các cán bộ khác của bệnh viện.
Chúng tôi đã bị ông giám đốc đè nén nhiều quá, độc quyền nhiều quá.
Người dân chia sẻ, ủng hộ hành động của chị Nguyệt (Ảnh: C.Q)
Chị có thể nói rõ về điều này?
Ông Liêm là người độc đoán và không tạo được môi trường làm việc lành mạnh, tích cực.
Ngoài tôi ra, có rất nhiều người làm chứng việc ông này đã chửi mắng cả vị phó giám đốc hay tát vào mặt một vị trưởng khoa trước mặt bệnh nhân chỉ vì trái ý.
Khi biết chúng tôi không đồng tình với chỉ đạo của mình (làm xét nghiệm giả, lắp ghép kết quả xét nghiệm của bệnh nhân - PV), ông giám đốc đã có những biểu hiện như trù dập, cô lập. Không cho chúng tôi tham gia trực hay được làm các công việc chuyên môn đầy đủ như trước đây.
Vẫn phải đấu tranh!
Từ khi tố cáo sự việc, cuộc sống riêng của chị và gia đình bị ảnh hưởng như thế nào? Chị và gia đình có bị đe dọa, mất an toàn không?
Tôi bị đe dọa, đàn áp nhiều chứ. Có nhiều cuộc nhắn tin dọa dẫm. Khi đơn tố cáo chưa được gửi thì đã bị lộ tên người ký, ngay hôm sau ông giám đốc đã phân công người xuống gặp tôi để uy hiếp, bắt phải rút đơn.
Chị có lường trước được những chuyện này không?
(Trước khi trả lời câu hỏi này, chị Nguyệt nghẹn ngào khóc).
Rồi chị nói: Tôi chấp nhận phải hi sinh, vì không ai dám nói ra. Cả bệnh viện biết hết đạo đức của giám đốc thế nào nhưng không ai dám đứng lên đấu tranh.
Tôi biết trước mình sẽ bị như thế, thậm chí bị trả giá. Nhưng tôi chấp nhận!
Tôi và tất cả cán bộ trong bệnh viện đã phải chịu đựng quá lâu, đã sống và làm việc quá nhục nhã! Còn nhân dân thì bị nhận một dịch vụ lừa đảo.
Nhiều người đấu tranh chống tiêu cực đã bị trả giá. Vì sao chị vẫn lựa chọn mình sẽ là người tiếp theo?
Tôi hiểu điều đó chứ! Nhưng tôi có niềm tin cái gì là sự thật thì sẽ được ủng hộ, còn cái gì xấu thì ta phải đấu tranh với nó.
Tôi muốn người dân được hưởng đúng quyền lợi của mình khi khám chữa bệnh, còn cán bộ công chức như tôi có môi trường làm việc lành mạnh, có sự tôn trọng, thân thiện, chia sẻ.
Thêm niềm tin
Chị có nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đồng nghiệp, chồng con và người thân không?
Tôi có nhận được sự ủng hộ của họ và của cả hàng xóm láng giềng, báo chí nữa. Một số đồng nghiệp của tôi rất tốt.
“Tôi và tất cả cán bộ trong bệnh viện đã phải chịu đựng quá lâu, đã sống và làm việc quá nhục nhã. Còn nhân dân thì bị nhận một dịch vụ lừa đảo”, lời chị Nguyệt.
Họ biết nhưng họ không dám ra mặt vì sợ, song phía sau thì họ ủng hộ mình rất nhiều. Có thể không nói ra thành lời nhưng bằng ánh mắt, bằng cử chỉ thì mình cảm nhận được.
Có người chỉ dám gặp riêng rồi mới nói là đã biết sự việc, có người chỉ ra hiệu. Sự ủng hộ đó họ cũng không dám công khai vì sợ ông giám đốc. Khi sự việc được phanh phui, cơ quan chức năng vào cuộc và báo chí lên tiếng ủng hộ, họ rất phấn khởi.
Những kết quả ở thời điểm hiện tại đã khiến sự việc sai trái bị dừng lại. Chị sẽ làm gì tiếp theo?
Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho sự việc này. Dù ‘cái xấu đang lấn át cái tốt’, nhưng tôi cũng tin rằng sự việc được dư luận quan tâm như vậy thì sự công bằng sẽ sớm được lấy lại.
Ông Giám đốc đã làm hỏng một thế hệ các cháu là nhân viên trẻ khi cho các cháu được toàn quyền làm việc sai trái. Lúc đầu mới đến thì các cháu biết lắng nghe người lớn. Nhưng khi được giám đốc trao quyền quá nhiều và lại làm láo như thế thì các cháu hư đi rất nhanh, bản thân các cháu không còn biết đâu là đúng sai phải trái.
Đó là bài học về hậu quả của đạo đức người lãnh đạo không tốt, người nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Xin cảm ơn chị!
Sau khi làm việc với chị Nguyệt, phóng viên có tiếp xúc với một số người dân sống và buôn bán hàng hóa lâu năm ngay ở cổng bệnh viện.
Qua câu chuyện có thể thấy ngoài phản ánh từ phía cán bộ y tế trong bệnh viện thì ngay cả dư luận bên ngoài cũng “râm ran” nhiều chuyện không hay về tư cách, đạo đức của vị giám đốc này. |
Theo Cẩm Quyên
Vietnamnet