Người phụ nữ mắc ung thư tuyến giáp di căn xương vẫn sống sót sau 16 năm
(Dân trí) - Được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp khi đã di căn xương, không đi lại được, ít ai ngờ bà T.T.N., 74 tuổi vẫn có thể sống và sau 16 năm chưa thấy dấu hiệu bất thường.
Mới đây, bà T.T.N., 74 tuổi đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Bà hiện khỏe mạnh, chưa phát hiện gì bất thường. Nồng độ các hormone tuyến giáp, các chất chỉ điểm khối u cho tuyến giáp (TG và anti TG) đều ở giới hạn bình thường. Kết quả xạ hình toàn thân, chụp cộng hưởng từ cột sống ngực, chụp cộng hưởng từ sọ não, cột sống thắt lưng cho thấy không có tổn thương thứ phát tại cột sống của bệnh nhân.
Điều ít ai ngờ là cách đây 16 năm, bà được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp đã di căn cột sống, bị liệt không thể đi lại được.
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, khoảng tháng 6/2005, bà N. thấy đau cột sống ngực, cột sống lưng, yếu 2 chân tăng dần. Bà đi khám tại một bệnh viện ở Hà Nội và phát hiện tổn thương cột sống ngang mức đốt sống ngực thứ 5 chưa rõ nguyên nhân, có dấu hiệu ép tủy. Lúc này, bà đã không tự đi lại được, phải ngồi xe lăn.
Bà đã được phẫu thuật giải ép cột sống và sinh thiết đốt sống D5. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là ung thư biểu mô thể nhú di căn, nguồn gốc từ tuyến giáp. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và điều trị bằng I-131 tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai 4 lần, với liều mỗi lần là 150 mCi cách nhau mỗi 6 tháng, tổng liều là 600 mCi. Đồng thời, bệnh nhân được điều trị phối hợp với liệu pháp hormon tuyến giáp thay thế và tập phục hồi chức năng.
Sau đó, tình trạng bệnh của bà dần cải thiện song vẫn phải ngồi xe lăn.
Bệnh nhân tiếp tục tái khám định kỳ 3-6 tháng/lần trong những năm đầu sau điều trị bằng I-131, sau đó được tái khám định kỳ hàng năm và duy trì bệnh ổn định trong 16 năm.
PGS Phương cho biết, điều đặc biệt ở bệnh nhân này là sau 6 tháng uống I-131, điều trị nội tiết thay thế, kết hợp phục hồi chức năng…, bệnh nhân đỡ hẳn đau xương và bắt đầu đi lại được. Mọi sinh hoạt của bệnh nhân đã trở lại gần như bình thường, tự chủ được mọi sinh hoạt cá nhân hàng ngày, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Theo GS.TS. Mai Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, đây là một trường hợp điều trị thành công và hiếm gặp vì khi bệnh nhân vào nhập viện thì tổn thương di căn đã chèn ép tủy sống, phá hủy cột sống, bệnh nhân không thể tự đi lại được, phải ngồi xe lăn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân đã phải sử dụng tổng liều iod phóng xạ I-131 khá lớn và nhiều lần. Rất may mắn là bệnh nhân đáp ứng với thuốc, các tổn thương di căn ở cột sống biến mất gần như hoàn toàn. Kết quả điều trị thành công và duy trì đã hơn 16 năm. 16 năm được sống thêm đối với một bệnh nhân ung thư đã có di căn xa ở xương với chất lượng cuộc sống tốt và tự đi lại được, tự mình làm những điều mình thích và tự mình chăm sóc thì đó là một kỳ tích.
Ung thư tuyến giáp là ung thư phổ biến nhất của hệ nội tiết. Theo Globocan năm 2020, trên thế giới ung thư tuyến giáp đứng thứ 9 về số ca mắc mới trong các bệnh ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh nam/nữ là 1/3.
Ung thư tuyến giáp chia làm hai nhóm khác nhau về lâm sàng, điều trị và tiên lượng. Đó là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, tiên lượng tốt, gồm thể nhú, thể nang hoặc hỗn hợp nhú và nang. Thể nhú là thể hay gặp nhất của ung thư tuyến giáp, chiếm 70-80%. Vị trí di căn xa hay gặp của ung thư tuyến giáp là xương, phổi…
Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú đã có di căn, phương pháp điều trị hiện nay là phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ kết hợp với điều trị bằng I-131, sau đó điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế.
Việc điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau phẫu thuật bằng I-131 đã làm thay đổi rất nhiều tiên lượng của bệnh. Tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 90-95%, tỷ lệ tái phát cũng giảm đáng kể chỉ còn 6,2% trong 5 năm đầu.