Khao khát được làm mẹ của cô gái trẻ mắc ung thư tuyến giáp

Nam Phương

(Dân trí) - Cuối năm 2019, phát hiện mắc ung thư tuyến giáp, chị Hoan (29 tuổi, Thanh Hóa) đành tạm gác lại hành trình kiếm con sau 5 năm lấy chồng để ưu tiên điều trị bệnh ung thư trước.

Có mặt tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội ngày 3/7, câu chuyện của chị Hoàng Thị Hoan khiến nhiều người không khỏi xúc động. Không phải là hành trình 10 năm, 15 năm kiếm con không thành, hai vợ chồng chị mới 5 năm nhưng chị mới phát hiện bị ung thư tuyến giáp. 

Cố gắng điều trị bệnh ung thư ổn định sau một năm, chị mới bắt đầu lại hành trình kiếm con. Vết sẹo mờ ở cổ là vết tích còn lại của căn bệnh ung thư tuyến giáp. 

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Hoan không cầm được nước mắt. Chị cho biết, năm 25 tuổi chị lập gia đình, chồng hơn chị 4 tuổi. Cả hai đều còn trẻ nên chị không ngờ mình lại rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn. 

Khao khát được làm mẹ của cô gái trẻ mắc ung thư tuyến giáp - 1

Chị Hoan hy vọng những nỗ lực của hai vợ chồng cuối cùng cũng sẽ có trái ngọt.

Dù xác định "thả" để có con, nhưng sau 2 năm chị vẫn không thấy bụng mình có dấu hiệu to lên. Sốt ruột vợ chồng chị đi khám thì biết một phần nguyên nhân do chồng chị, bác sĩ kê thuốc về uống. Thuốc Bắc, thuốc Nam, ai mách chỗ nào có thầy giỏi, vợ chồng chị lại cất công đi đến tận nơi. Sau một năm vẫn không có gì tiến triển, hai vợ chồng đi khám lại thì bác sĩ bảo phải can thiệp. 

Lần này thấy cổ chị to lên bất thường, bác sĩ khuyên chị nên đi khám. Lúc đó chị cũng không lo lắng gì. Trước đó chị biết mình có nhân ở tuyến giáp, nhưng nghĩ chỉ là nhân bình thường nên chị cũng không uống thuốc gì. Dù vậy, chị vẫn quyết định lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương để kiểm tra. 

"Lúc đó mình thực sự sốc, tủi thân khi bác sĩ thông báo kết quả sinh thiết nghi ngờ ung thư cần phải mổ để xét nghiệm khẳng định lại", chị Hoan nói. 

Chị cho biết thời điểm đó chị không thấy có biểu hiện gì bất thường, ngoài việc thấy cổ họng sưng to lên giống như yết hầu của cánh mày râu. Nhưng chị cũng không nghĩ mình có thể mắc ung thư tuyến giáp. Trước đó, mẹ chồng chị cũng đã được mổ và chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp. 

"May mắn là bệnh của tôi mới ở giai đoạn đầu nên tiên lượng tốt. Bác sĩ bảo tôi cứ yên tâm điều trị bệnh ung thư cho ổn định, sau này vẫn có thể có con được", chị Hoan chia sẻ. 

Cuối năm 2019 chị được phẫu thuật, sau đó là điều trị bằng iod phóng xạ trong một tháng. Chính khao khát mong muốn làm mẹ là động lực giúp chị vượt qua bệnh tật, cố gắng ăn uống để có sức, sau này vẫn có thể làm mẹ. 

Sau một năm sức khỏe ổn định, đi khám không thấy có tế bào lạ chị mới quyết định sinh con. Trường hợp của vợ chồng chị phải làm thụ tinh trong ống nghiệm. Số tiền đó không phải là nhỏ với hoàn cảnh gia đình chị. Từ hồi bị ung thư, chị không đi làm được, kinh tế chính của gia đình phụ thuộc vào công việc phụ hồ của chồng. 

Vì thế, hai vợ chồng chị sẽ bệnh viện được hỗ trợ 30 triệu đồng chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm.