1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người phụ nữ 15 năm cầu cứu khắp các bệnh viện vì nhiễm ký sinh trùng ở chó

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, người nhiễm loại ký sinh trùng này có thể do ăn rau sống chưa được rửa sạch, hoặc tiếp xúc với chó. Nếu ký sinh trùng lạc vào não và tim sẽ gây ra những hậu quả nặng nề.

Bác sĩ Đặng Ngọc Tuyên, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) cho biết, nơi đây vừa phát hiện một bệnh nhân nhiễm loại ký sinh trùng thường xuất hiện trong ruột non của chó.

Bệnh nhân là bà H.D. (50 tuổi, ngụ tại Cà Mau). Cách nhập viện 1 tháng, bà D. đau âm ỉ khắp bụng kèm nôn nhiều lần, tiêu lỏng, bụng cứ to dần lên. Bà cho biết đã bị báng bụng (bụng phình to vì ứ dịch) nhiều lần trong khoảng 15 năm qua, từng vào việc 4 lần khác nhau để điều trị nhưng tình trạng không dứt.

Lần này, bà cũng đến các bệnh viện tại Cà Mau và Cần Thơ khám, uống thuốc nhưng bệnh vẫn không giảm. Đến cuối tháng 2, bà vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện Lê Văn Thịnh với tình trạng bụng phình nhiều, nôn ói, tiêu chảy, đau.

Người phụ nữ 15 năm cầu cứu khắp các bệnh viện vì nhiễm ký sinh trùng ở chó - 1

Bụng bệnh nhân thường xuyên phình to trong 15 năm qua (Ảnh: XB).

Bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội tổng hợp với chẩn đoán viêm dạ dày cấp, được chỉ định xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh, chọc dịch màng bụng phân tích, xét nghiệm lao. Kết quả xét nghiệm phát hiện tình trạng tăng bạch cầu ái toan trong dịch màng bụng lẫn trong máu, có dịch ổ bụng lượng nhiều kèm viêm ruột.

Quá trình điều trị, bệnh nhân ít đáp ứng. Tình trạng bụng phình to khiến bà tức ngực, khó thở, tiêu chảy và đau bụng nhiều. Vì triệu chứng trên có rất nhiều nguyên nhân, bà D. nên phải tiến hành nhiều xét nghiệm khác nhau để tìm nguyên nhân. Bên cạnh đó, người bệnh có nhiều yếu tố gây nhiễu thông tin.

Theo dõi hồ sơ bệnh sử, bác sĩ nhận thấy 4 năm trước, bà D. đã phẫu thuật nội soi ổ bụng và cắt túi mật, xét nghiệm có giun đũa chó. Các bác sĩ không loại trừ nguyên nhân bà bị tái phát ký sinh trùng này dẫn đến đầy bụng, nôn ói.

Đúng như nghi vấn, đầu tháng 3, kết quả xét nghiệm ký sinh trùng xác nhận bệnh nhân dương tính với giun đũa chó. Từ đó, bác sĩ tiến hành phối hợp điều trị kháng viêm và thuốc điều trị giun đũa chó theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau 2 tuần điều trị, tình trạng người bệnh tốt lên nhanh chóng và xuất viện.

Người phụ nữ 15 năm cầu cứu khắp các bệnh viện vì nhiễm ký sinh trùng ở chó - 2

Sau khi phát hiện tái phát giun đũa chó và được điều trị theo đúng phác đồ, bà D. khỏe lại (Ảnh: XB).

Các bác sĩ cho biết, bệnh giun đũa chó (hay sán chó, theo cách gọi dân gian) là một dạng truyền nhiễm do loài giun đũa Toxocara Canis ký sinh ở chó gây bệnh cho người. Bệnh phổ biến trên toàn cầu, nhưng xảy ra chủ yếu ở các nước đang phát triển. Riêng với tình trạng của bà D. được xác định là nhiễm ký sinh trùng lạc chỗ.

Người nhiễm giun đũa chó có thể do ăn rau sống chưa được rửa sạch, hoặc lây qua đường phân - miệng, hay nhiễm bệnh từ thú cưng. Nếu ký sinh trùng lạc vào não hoặc tim, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, tràn dịch tim…

Bác sĩ khuyến cáo, người dân khi nuôi chó cần chú ý vệ sinh, thu dọn phân sạch sẽ. Sau khi chơi đùa, chạm vào chó cần rửa tay bằng xà phòng. Ngoài ra, cần đưa chó, mèo đi kiểm tra và tẩy giun đũa định kỳ.