Người đàn ông 60 tuổi tắc ruột do ăn 3 trái hồng ngâm

Thái Bá

(Dân trí) - Sau khi ăn 3 trái hồng ngâm, nam bệnh nhân 59 tuổi bị đau bụng âm ỉ thượng vị, sau đó cơn đau bụng tăng dần, bí trung đại tiện. Bác sĩ phát hiện người bệnh có khối bã thức ăn lớn trong dạ dày.

Ngày 19/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình thông báo Khoa Ngoại tổng hợp đã phẫu thuật thành công một ca tắc ruột do khối bã thức ăn lớn trong dạ dày.

Bệnh nhân T.V.C., 59 tuổi, trú tại huyện Nho Quan, Ninh Bình, nhập viện trong tình trạng đau bụng và bí trung đại tiện. Trước đó ba ngày, ông đã ăn ba quả hồng ngâm và sau đó xuất hiện triệu chứng đau bụng âm ỉ, đau từng cơn và bí trung đại tiện.

Người đàn ông 60 tuổi tắc ruột do ăn 3 trái hồng ngâm - 1

Khối bã thức ăn lớn được lấy ra từ trong dạ dày bệnh nhân 60 tuổi bị tắc ruột do ăn hồng ngâm (Ảnh: BVĐK tỉnh Ninh Bình).

Qua thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn, với khối bã lớn trong dạ dày. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mở bụng để làm tan bã thức ăn ở ruột non và đẩy xuống đại tràng, đồng thời mở dạ dày để lấy bã thức ăn.

Ca phẫu thuật đã thành công, sau 6 ngày bệnh nhân hồi phục ổn định, vết mổ liền khô, ít đau, và đã có thể ăn uống, đi lại nhẹ nhàng.

Các bác sĩ chuyên khoa ngoại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết, tắc ruột do bã thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Đa số các trường hợp cần phẫu thuật để làm tan hoặc lấy khối bã ra ngoài.

Hiện tượng này xảy ra khi khối bã thức ăn hình thành trong dạ dày và di chuyển xuống ruột non gây tắc. Nguyên nhân thường do ăn thực phẩm chứa nhiều tanin như hồng ngâm, ổi, sung, hạt hoa quả, hoặc thực phẩm khó tiêu hóa như măng, mít, kẹo cao su. Tanin và chất xơ khi gặp axit dạ dày sẽ kết tủa thành khối bã rắn chắc.

Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn thường là người đã phẫu thuật cắt dạ dày, người già răng đã rụng, và trẻ em.