Chuyện xúc động về clip con chăm cha U90 ở Ninh Bình hút triệu view

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Những clip cụ ông U90 khóc nấc khi nhớ bố mẹ, vợ và người thân đã mất hay khi ông trầm ngâm nói về mong ước cuối đời hoặc bóp chân cho con trai nhận hàng triệu lượt xem.

"Không yêu thương lúc này thì chẳng còn lúc nào"

3h đêm, anh Nguyễn Đức Thuận bỗng thức giấc bởi nghe thấy tiếng khóc. Với tay bật điện, anh thấy ở giường bên, bố mình -  ông Nguyễn Văn Hiền - vừa khóc to vừa gọi tên người mẹ đã khuất của anh.

Đã quen với cảnh bố tỉnh dậy giữa đêm, anh Thuận đến bên ôm vai bố dỗ dành: "Ông nín đi. Nín khóc rồi con đi đón bà về cho ông nhé!".

Ít phút sau, khi thấy bố đã chịu nằm xuống và ngủ thiếp đi, anh Thuận mới an tâm trở về giường. 

Ông Nguyễn Văn Hiền (86 tuổi) bị sa sút trí tuệ, tiểu đường, suy thận độ 4 và không đi lại được sau nhiều lần đột quỵ.

Suốt 5 năm nay, anh Thuận và vợ đã quen với nhịp sinh hoạt mỗi sáng giúp bố vệ sinh cá nhân, đút cho bố ăn.

Trưa và tối, anh lại tắm gội cho bố, xoa bóp chân tay để ông thoải mái nghỉ ngơi. Những hôm mát mẻ, người đàn ông kinh doanh thiết bị vệ sinh lại đặt bố lên xe đưa ra ngoài hóng gió hoặc sang hàng xóm chơi.

"Người già như ngọn đèn sắp cạn dầu. Không chăm sóc, yêu thương lúc này thì chẳng còn lúc nào", anh Đức Thuận (48 tuổi) sống tại Nguyên Ngoại, xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình nói.

Chuyện xúc động về clip con chăm cha U90 ở Ninh Bình hút triệu view - 1

Ông Nguyễn Văn Hiền không đi lại được sau nhiều lần đột quỵ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Lần đầu ông Hiền bị đột quỵ cách đây 5 năm. Nằm viện nửa tháng, lúc về nhà hai chân ông yếu dần rồi không đi lại được. Mong bố không phải nằm một chỗ, anh Thuận ngày nào cũng chở ông tới trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu.

Khó khăn đầu tiên với anh khi bố đổ bệnh chính là việc nâng đỡ mỗi lần ông ngồi dậy ăn uống, vệ sinh cá nhân hay di chuyển ra xe lăn.

Ông Hiền bị liệt, nằm lâu nên các cơ xương co cứng. Để đưa bố xuống ghế ngồi, người con trai phải dùng hết sức xốc ông lên vai rồi di chuyển từng bước nhỏ. Anh Thuận nói, nếu không làm vậy, bố nằm lâu trên giường lưng, hông dễ lở loét.

Năm năm nâng đỡ, chưa lần nào anh khiến bố bị ngã. Chân vốn đau do bị bệnh gout lâu năm, nhưng với anh "cơn đau của mình không đáng gì so với cơn đau mà bố phải chịu đựng".

Lần đột quỵ đầu tiên, trí óc người cha vẫn tỉnh táo. Những hôm trái gió trở trời ông không chịu ăn, anh Thuận lại thuê người truyền đạm, mỗi lần 3-4 tiếng.

"Nhiều đêm tôi ngồi trông, bố thấy vậy cứ giục đi ngủ nhưng tôi không chịu", anh Thuận nói. Đợi lúc ông ngủ say, anh mới ghé tai thì thầm: "Bố chăm sóc con nhiều năm rồi. Bây giờ đến lượt con chăm sóc bố".

Anh Thuận đặc biệt chú ý đến thực đơn của bố. Anh hạn chế tinh bột, đường.  Những thực phẩm nhiều kali như chuối, dưa hấu, rau lá xanh cũng ít xuất hiện trong bữa ăn vì ảnh hưởng tới bệnh suy thận.

Ngoài 3 bữa chính và 3 bữa hoa quả, những ngày bố ăn ít, anh Thuận lại bổ sung thêm nước yến hoặc ngũ cốc để ông không bị tụt đường huyết.

Chuyện xúc động về clip con chăm cha U90 ở Ninh Bình hút triệu view - 2

Ông Hiền khi còn khỏe mạnh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh thường gọi đùa bữa thêm này là ăn dặm và nịnh bố ăn như nịnh con trẻ. Dù vậy, không phải lúc nào bố anh cũng hợp tác.

Nhiều bữa không muốn ăn ông lại cắn thìa, thậm chí còn mắng chửi, đuổi đánh con. "Nhưng không vì thế mà tôi giận dỗi. Dù thế nào cũng phải cho ông ăn đủ lượng, đủ chất theo tiêu chuẩn", người con trai nói.

Nhà có 6 anh chị em, ai cũng có gia đình riêng, có người thì ở xa nên anh Thuận và vợ tình nguyện chăm chính, chỉ xin hỗ trợ khi cần thiết.

Biết bố thích giao lưu nên từ khi ông còn khỏe, anh đã mua tặng ông bộ bàn ghế đặt ngoài sân. Sáng nào hai vợ chồng cũng thay nhau dậy sớm, đun nước pha trà đặt sẵn trên bàn kèm với hoa quả để ông đón tiếp bạn bè sang chơi.

"Mọi người khi đó hay nói, ông Hiền dù không giàu có nhưng vui vẻ nhất làng vì có con trai tâm lý", chị Bùi Thị Hạnh, vợ anh Thuận kể.

Nhiều năm trước khi mẹ ốm nặng, anh Thuận đặt mua một chiếc máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẹp cuối đời bà. Nhưng thẻ nhớ hỏng, video về mẹ không thể lưu giữ, khiến con trai ân hận mãi. Bởi vậy, từ lúc bố còn khỏe cho tới khi sa sút trí tuệ anh thường xuyên quay lại khoảnh khắc đời thường của ông, lưu làm kỷ niệm.

Những khoảnh khắc vô giá

Đó là những lần ông Hiền khóc nấc khi nhớ bố mẹ, vợ và người thân đã mất. Rồi lúc tỉnh táo ông trầm ngâm nói về mong ước cuối đời hoặc bóp chân cho con trai khi anh nũng nịu kêu đau.

"Với tôi, những hình ảnh này đều vô giá", Thuận nói. Sự ra đi của mẹ nhiều năm trước đã dạy người đàn ông này bài học về cuộc sống vô thường, từ đó biết cách yêu thương, trân trọng hơn bố mình.

Anh Thuận hiểu thời gian của bố không còn nhiều, bởi vậy anh muốn đồng hành cùng ông chặng cuối theo cách ý nghĩa nhất.

Sức khỏe sa sút, không thể nhớ tên người thân, nhưng mỗi khi ai đó nhắc tới con trai, ông Hiền lại đảo mắt tìm kiếm rồi mỉm cười.

Nhiều năm chăm bố đột quỵ, quãng thời gian đáng nhớ nhất với anh Thuận là thời điểm ông Hiền mắc Covid-19 khi có nhiều bệnh nền nguy hiểm.

Anh Thuận và vợ mua bình oxy, máy đo nồng độ oxy trong máu, máy hút đờm cũng như các loại thuốc hỗ trợ để chăm bố.

Anh học kỹ năng chăm sóc từ các y bác sĩ trong bệnh viện, tham khảo ý kiến chuyên môn khi cần. Gần nửa tháng được con trai chăm sóc, sức khỏe ông Hiền dần hồi phục rồi khỏi bệnh.

Chuyện xúc động về clip con chăm cha U90 ở Ninh Bình hút triệu view - 3

Hình ảnh anh Thuận chăm sóc, dỗ dành bố như một đứa trẻ khiến nhiều người xúc động (Ảnh: Cắt từ clip nhân vật cung cấp).

Hai năm trước có thời điểm ông Hiền bệnh nặng, bác sĩ khuyên anh Thuận nên đưa bố về để được ra đi tại nhà.

"Tôi từ chối bởi còn nước còn tát, không thể rút ống thở của ông". Anh Thuận cho rằng, dù chỉ còn một tia hy vọng cũng phải cứu bố. May mắn sau hai tuần nằm hồi sức tích cực, ông Hiền dần hồi phục và xuất viện.

Một năm trở lại đây, dù lúc nhớ lúc quên nhưng sức khỏe người cha 86 tuổi đã ổn định, không phải đi viện thường xuyên. Nhân dịp này, anh Thuận đăng nhiều video chia sẻ hoạt động thường ngày của bố lên trang cá nhân.

Có những video của anh nhận được hàng chục triệu lượt xem. Nhiều người bày tỏ, mỗi lần xem clip của hai bố con đều cảm nhận được sự ấm áp của tình phụ tử.

Từ đó, người đàn ông này cũng trả lời nhiều hơn các câu hỏi liên quan tới bệnh đột quỵ của người già, rồi làm cách nào chăm sóc cha mẹ sa sút trí tuệ mà con cái không nổi cáu, thậm chí còn tuyệt vọng, bất lực.

Anh Thuận nói rằng bệnh tật không chỉ giày vò bệnh nhân, mà còn khiến người chăm sóc mệt mỏi, đảo lộn cuộc sống. Con cái lúc này phải hy sinh hầu hết thời gian, sức khỏe, biến mình thành cánh tay, đôi chân, đầu bếp, y tá của cha mẹ.

"Trước tôi là trẻ con chưa hiểu chuyện bố vẫn yêu thương, nay bố biến thành trẻ con thì tôi lại chiều bố dù ông cố chấp thế nào", anh nói.

Người đàn ông này cho rằng, cuộc đời mỗi người giống như một vòng tròn, điểm khởi đầu có thể lặp lại ở điểm kết thúc. Nếu đủ sự yêu thương và bao dung thì vòng tròn đó mới trọn vẹn.

Ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng thôn Nguyên Ngoại cho biết, dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng anh Thuận cùng vợ và các chị em trong nhà chăm sóc ông Hiền rất chu đáo, thay nhau bên cạnh bố 24/24h mỗi ngày.

Gia đình luôn thuận hòa, đầm ấm. Anh Thuận và anh chị em trong nhà xứng đáng là tấm gương để nhiều người noi theo về chữ hiếu với cha mẹ.   

Hồng Hạnh - Huệ Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm