1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người dân cần làm gì khi mũi một vaccine Covid-19 vẫn chưa được cập nhật?

Hà An

(Dân trí) - Nhiều nơi đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3. Tuy nhiên, một số người mũi một vẫn chưa cập nhật trên phần mềm, điều này gây khó khăn khi tiêm mũi 3, nhất là khi tiêm tại cơ sở khác.

Về nguyên tắc, khi thực hiện việc tiêm vaccine, các đơn vị sẽ cập nhật thông tin của người dân lên hệ thống tiemchungcovid19.moh.gov.vn và sau khi tiêm, người dân sẽ có kết quả tiêm ngay trên Sổ sức khỏe điện tử.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết hiện ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử đã được cập nhật mũi tiêm thứ 3 của người dân. Riêng ứng dụng PC-Covid đang được nâng cấp để cập nhật mũi 3. 

Về việc nhiều người đã tiêm đến mũi 3 nhưng thông tin về mũi một vẫn còn thiếu, ông Nam cho biết trước đó Bộ Y tế đã có hướng dẫn quy trình xử lý phản ánh thông tin tiêm chủng Covid-19 của người dân. 

Theo đó, người dân chụp giấy chứng nhận đã tiêm mũi một vào phần phản ánh thông tin tiêm vaccine Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng tiemchungcovid19.gov.vn hoặc đến số đường dây nóng 19009095.

Người dân cần làm gì khi mũi một vaccine Covid-19 vẫn chưa được cập nhật? - 1

Nhiều người đã tiêm 2,3 mũi nhưng thông tin tiêm mũi một vẫn chưa được cập nhật. 

Đơn vị tiêm vaccine Covid-19 sẽ chịu trách nhiệm cập nhật và nhập dữ liệu của người được tiêm vaccine lên hệ thống. Vì vậy, người dân có thể liên hệ với điểm tiêm chủng để đơn vị cập nhật đầy đủ các mũi tiêm vaccine Covid-19.

"Cơ sở y tế tiêm cho người dân phải có trách nhiệm xử lý cập nhật lại thông tin. Người dân gửi phản ánh lên, còn lại là trách nhiệm của cơ sở y tế", ông Nam khẳng định. 

Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều trường hợp đã gửi thông tin phản ánh lên nhưng chưa được xử lý chẳng hạn như tại Bệnh viện Bạch Mai. Điều này cũng gây khó khăn cho người dân khi đi tiêm mũi 3. 

Về vấn đề này, ông Nam cho biết Bệnh viện Bạch Mai là một trong những cơ sở tham gia ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng, khi đó chưa có phần mềm nên sau đó có thể bệnh viện phải nhập lại, nên có thể bị chậm. 

"Người dân gửi phản ánh lên, nếu Bệnh viện để quá lâu không xử lý, Bộ sẽ có lưu ý với cơ sở", ông Nam khẳng định.