Ngồi quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ chết sớm
(Dân trí) - Tiến bộ công nghệ ngày nay đã làm giảm nhu cầu di chuyển của con người. Ngày càng có nhiều người ngồi liên tục trong thời gian dài suốt ngày, dù là ở bàn làm việc tại cơ quan hay xem TV ở nhà.
Về mặt sinh học, cơ thể con người được tạo ra để di chuyển, việc ngồi nhiều sẽ rất có hại cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu mới của trường Đại học California ở San Diego (UCSD), Mỹ, đã xác nhận điều này.
Tổng cộng có 5.856 phụ nữ từ 63 đến 99 tuổi tham gia vào nghiên cứu này được đeo thiết bị theo dõi hoạt động trong bảy ngày. Sau đó các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi họ trong 10 năm. Trong thời gian đó 1.733 người trong số những phụ nữ đó đã chết.
Các nhà nghiên cứu sử dụng sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo để xác định lượng thời gian mà những người này ngồi thay vì đi lại và tìm hiểu mối liên hệ giữa việc đó với nguy cơ tử vong của họ.
Dữ liệu cho thấy những người ngồi hơn 11 tiếng/ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 57% so với những người ngồi dưới 9,5 tiếng/ ngày.
Vậy nếu ngồi nhiều nhưng có tập thể dục thể thao đều đặn thì có loại bỏ được những nguy cơ do ngồi nhiều không? Theo nghiên cứu nói trên của UCSD thì không phải như vậy.
Nguy cơ tử vong sớm vẫn còn ngay cả khi một người tập thể dục ở mức độ vừa đến nhiều. Một nghiên cứu năm 2019 cũng cho biết tập thể dục nhiều hơn không làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh tim và đột quỵ do ngồi quá nhiều.
Mặc dù vậy, một nghiên cứu ở Australia cho thấy mỗi ngày đi từ 9.000 đến 10.500 bước thì có thể giảm nguy cơ tử vong sớm kể cả ở những người ngồi nhiều.
Các kết luận trái ngược như vậy có thể được lý giải là do người tham gia nghiên cứu của UCSD đeo máy theo dõi hoạt động ở hông, còn người tham gia nghiên cứu ở Australia thì đeo máy ở cổ tay.
Nghiên cứu ở Australia cũng không sử dụng phần mềm đặc biệt nào để xử lý dữ liệu theo dõi hoạt động nhằm biết được khi nào thì người tham gia đứng và khi nào ngồi, có nghĩa là thời gian đứng cũng có thể bị tính nhầm thành thời gian ngồi.
Ví dụ nếu một người đứng im trong nửa tiếng đồng hồ thì cũng được tính là nửa giờ đó họ ngồi. Điều này có nghĩa là nghiên cứu ở Australia chưa tính chính xác thời gian ngồi và thời gian đứng.
Các bằng chứng từ nghiên cứu của Trường đại học California đáng tin cậy hơn và nhấn mạnh rằng mọi người cần giảm bớt thời gian ngồi.
Các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe hiện nay của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng người lớn nên hạn chế thời gian ngồi và trong những quãng thời gian ngồi nhiều thì nên tăng số lần ngắt quãng không để ngồi liên tục.
Ngồi bao lâu là quá nhiều?
Nghiên cứu của UCSD cho rằng câu trả lời là 11 tiếng. Các nghiên cứu khác cho rằng 7 tiếng ngồi mỗi ngày cũng là quá nhiều. Cũng có nhiều nghiên cứu khác nữa khuyến nghị không nên ngồi lâu hơn 30 phút liên tục vì như vậy có thể tăng mức đường huyết và huyết áp.
Vậy chúng ta nên làm gì để tránh ngồi quá nhiều?
Một chiếc bàn đứng có thể giúp ích nếu bạn là nhân viên văn phòng, hoặc bạn có thể đứng dậy và đi lại khi gọi điện thoại hoặc đi lại giữa những phần công việc. Ở nhà, bạn có thể đứng dậy khi TV quảng cáo hoặc khi ấm nước sôi. Hãy dùng thiết bị thông minh đặt nhắc giờ nếu bạn ngồi quá lâu.
Nhưng có người có thể đặt câu hỏi là nếu họ không thể đứng hoặc đi lại thì sao?
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy những bài tập thể dục nhanh cho cánh tay, ví dụ mỗi 20 phút lại tập 2 phút, cũng giúp giảm lượng đường trong máu ở người sử dụng xe lăn. Miễn là bạn đang làm gì đó không phải là ngồi im, thì bạn sẽ thu về những lợi ích cho sức khỏe.
Theo ScienceAlert