Ngoài Styren, dầu thải gây ô nhiễm nước Hà Nội còn có thể chứa hóa chất độc hại nào?
(Dân trí) - Lượng Styren vượt ngưỡng được cho là nguyên nhân gây ra mùi khét trong nguồn nước sinh hoạt tại nhiều khu vực ở Hà Nội những ngày vừa qua. Dưới góc nhìn của chuyên gia, trong dầu thải gây ô nhiễm ở đầu nguồn cấp nước còn có thể tồn tại nhiều hóa chất độc hại khác!
Như tin đã đưa, trong những ngày vừa qua, nguồn cấp nước cho Nhà máy nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có dấu hiệu ô nhiễm, nghi do hàng tấn dầu nhớt thải bị đổ trộm ở khu vực đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, dẫn đến hiện tượng nước sinh hoạt tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy, tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông xuất hiện mùi “khét”.
Những hóa chất độc hại nào có thể tồn tại trong dầu thải?
Theo Tiến sĩ Lê Thái Hà, trưởng khoa Xét nghiệm và Phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ có thành phần chính là các Hidrocacbon thơm như: Benzen, Toluen, Etyl Benzen, Xylen, Styren, mỗi chất đều có giá trị hướng dẫn riêng về sự ảnh hưởng khi chúng có mặt ở trong nước.
Đặc biệt, trong dầu Diesel rất phong phú các chất Hidrocacbon thơm kể trên. Ngoài ra, đối với dầu thải, tùy theo các nguồn phát sinh, mà có thể chứa thêm những thành phần đặc thù khác, ví dụ: nguồn dầu thải từ quá trình vận hành máy móc thường chứa nhiều kim loại nặng (chủ yếu phát sinh từ sự ma sát của các chi tiết cơ khí kim loại).
Cũng vì bản chất là các Hidrocacbon thơm nên một khi bị lẫn vào nước, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện ra mùi đặc trưng của dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, kể cả khi nồng độ của các chất này vẫn còn thấp hơn ngưỡng có thể gây hại đến sức khỏe.
“Về vấn đề này, trong Hướng dẫn về chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xếp các chất như: Etyl Benzen, Styren, Toluen, Xylen vào nhóm các chất mà khi tồn tại với nồng độ bằng hoặc dưới ngưỡng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng đã có thể ảnh hưởng đến hình thức, mùi hoặc vị của nguồn nước.” – Tiến sĩ Lê Thái Hà nhấn mạnh.
Hướng dẫn về chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xếp các chất như: Etyl Benzen, Styren, Toluen, Xylen vào nhóm các chất mà khi tồn tại với nồng độ bằng hoặc dưới ngưỡng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đã có thể ảnh hưởng đến hình thức, mùi hoặc vị của nguồn nước
Cũng theo chia sẻ của vị chuyên gia này, về nguyên tắc trong quy trình xử lý nước để phục vụ cho mục đính cấp nước sinh hoạt, các sản phẩm dầu mỏ sẽ được xử lý bằng cách hấp thụ qua cột lọc than hoạt tính.
Ý kiến của chuyên gia về chất Styren, được cho là nguyên nhân gây mùi “khét” của nước
Về việc Sở Y tế Hà Nội kết luận Styren vượt ngưỡng (cao nhất lên đến 3,65 lần) là một nguyên nhân dẫn đến mùi bất thường trong nước sinh hoạt mà người dân phản ánh, tiến sĩ Hà đưa ra nhận định: “Styren là một chất có trong các sản phẩm dầu mỏ và trong các nguồn khác, đặc biệt ngành công nghiệp chất dẻo sử dụng rất nhiều Styren. Ngoài ra, các loại dầu thải từ hoạt động photocopy cũng có lượng Styren cao, tùy thuộc vào lượng có trong nước mà Styren có thể gây ra mùi ngọt cho đến khó chịu (nồng độ càng cao thì mùi càng khó chịu).
Công thức cấu tạo của Styren
Thông thường, ở nồng độ 4 µg/L, Styren đã bắt đầu gây mùi và có thể nhận biết thông qua cảm quan. WHO đưa ra giá trị hướng dẫn về hàm lượng cho phép của Styren là 20 µg/l và Việt Nam cũng lấy giá trị này để áp dụng trong “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt” (QCVN 01-1:2018/BYT).”
Như vậy nồng độ Styren có trong các mẫu nước của Viwasupco vượt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần, như thông tin đã được công bố trong buổi họp báo ngày 15 tháng 10 vừa qua, thì hóa chất này đã đủ lượng để có thể gây ra mùi bất thường cho nguồn nước!
Khuyến cáo về việc sử dụng nguồn nước có mùi lạ
Theo tiến sĩ Lê Thái Hà, nước sinh hoạt có mùi lạ là không đạt Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, do Bộ Y tế ban hành (QCVN 01:2009/BYT), dù nguyên nhân có do Styren hay bất kỳ lý do gì.
“Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân không nên sử dụng nguồn nước có xuất hiện mùi lạ, mùi khét!” – Tiến sĩ Lê Thái Hà khuyến cáo.
Minh Nhật