Nước sạch nhiễm dầu: Nếu tự mang nước đi kiểm nghiệm chất lượng, bạn cần chú ý những điều này
(Dân trí) - Những ngày qua, lo ngại nước sạch bị ô nhiễm dầu thải, nhiều người dân tự đem mẫu nước sinh hoạt tại nhà đi kiểm nghiệm. Nếu có ý định này, trước hết người dân cần biết cơ sở nào đủ năng lực phân tích chất lượng nước, cách lấy mẫu nước đúng quy trình và những chỉ tiêu mà mình nên phân tích.
Người dân có thể xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt của gia đình tại những cơ sở nào?
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, khoa Xét nghiệm và Phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, một cơ sở, phòng Lab bắt buộc cần phải có chứng nhận ISO17025 thì các kết quả phân tích chất lượng nước mới được công nhận. Bên cạnh đó, tiến sĩ Thường cũng nhấn mạnh: “Chứng nhận ISO17025 của cơ sở cũng phải còn thời hạn sử dụng thì mới có giá trị, bởi thông thường chứng nhận này chỉ có thời hạn trong 3 năm.”
ISO 17025 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chuyên biệt cho phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn, do tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa ISO (International Organization for Standardization) ban hành.
Một số cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Y tế có đủ năng lực thực hiện phân tích chất lượng nước như: Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện Pasteur thuộc hệ thống của Bộ Y tế.
Ở các địa phương có các cơ sở thuộc Sở Y tế như Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật. Ngoài ngành Y tế, còn có các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam hoặc các Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh cũng có đủ năng lực thực hiện việc phân tích này.
Quy trình tự lấy mẫu nước để đảm bảo kết quả ít bị sai lệch nhất
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Lương Thị Thanh Thủy, khoa Xét nghiệm và Phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, quy trình lấy mẫu có sự ảnh hưởng không nhỏ đến tính chính xác của kết quả phân tích được. Do đó, nếu muốn kết quả phản ảnh đúng thực trạng nguồn nước cần phân tích thì cần phải đảm bảo cả về thể tích mẫu cần lấy, dụng cụ lấy mẫu và cách lấy mẫu.
Dưới đây là một số lưu ý về cách tự lấy mẫu nước tại nhà mà thạc sĩ Thanh Thủy chỉ dẫn:
Dung tích mẫu cần lấy:
- Lượng mẫu tối thiểu cần lấy là 2 lít.
Dụng cụ lấy mẫu:
- Nếu xét nghiệm các chỉ tiêu thuộc nhóm thông thường, cần dùng chai PET còn mới hoặc chai từng được dùng để đựng nước tinh khiết, đã được phép lưu thông trên thị trường.
- Trong trường hợp cần phân tích các nhóm đặc biệt như dung môi hữu cơ thì cần đựng bằng chai thủy tinh
Phương pháp lấy mẫu:
- Trong trường hợp lấy mẫu nước từ vòi cấp nước sinh hoạt, cần mở vòi để nước chảy sau 3 phút thì mới bắt đầu lấy mẫu, để đảm bảo tính đại diện của mẫu.
- Tráng bình đựng mẫu ít nhất 3 lần bằng mẫu nước muốn kiểm nghiệm, trước khi lấy mẫu.
- Cần lấy nước đầy chai đựng mẫu, hạn chế để khoảng hở bởi một số chất dễ bay hơi như: hợp chất hữu cơ mạch ngắn: pentan, cloetan và các hợp chất hữu cơ vòng thơm đơn nhân như toluen, benzen sẽ hóa hơi lên khoảng hở còn lại trong chai, khiến hàm lượng trong mẫu nước bị thay đổi.
- Nước lấy xong nếu chưa thể đem đến các cơ sở phân tích cần bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 4 độ C, và chỉ bảo quản trong 24 giờ, sau 24 giờ cần lấy lại mẫu khác.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng khuyến cáo: “Các chỉ tiêu vi sinh đòi hỏi phải có dụng cụ lấy mẫu được tiệt trùng, cùng kỹ năng lấy mẫu phải qua đào tạo, nên với những mẫu mà người dân tự lấy sẽ khó đảm bảo rằng, kết quả phản ánh đúng với thực trạng”
Nên phân tích những chỉ tiêu nào để đánh giá chất lượng nước tại gia đình?
Theo QCVN 01:2009/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành, có đến 109 chỉ tiêu chất lượng thuộc các mức độ giám sát A, B, C.Theo phân tích của thạc sĩ Lương Thị Thanh Thủy:
- Mức độ A: bao gồm các yếu tố cảm quan, thành phần vô cơ và các chỉ tiêu vi sinh vật. Đây có có thể coi là những chỉ tiêu phản ánh cảm quan ban đầu của nước (mùi vị, độ màu, độ đục…) và bản chất tự nhiên của nước (pH, Độ cứng…) các yếu tố này dễ biến đổi theo thời gian và cả trong quá trình xử lý nước. Đây cũng là những chỉ tiêu cơ bản nhất mà người dân nên tiến hành phân tích để đánh giá chất lượng nước của gia đình.
- Mức độ B: gồm các thành phần hữu cơ như benzen, phenol, mức nhiễm xạ, kim loại. Các chỉ tiêu thuộc mức độ B có thể phát sinh từ chất gây ô nhiễm của các hoạt động công nghiệp, quá trình xử lý nước (nhôm: Trong quá trình xử lý nước có thể sử dụng phèn nhôm), quá trình tích trữ nước (chì) hoặc liên quan đến địa chất, địa tầng trong tự nhiên (Asen).
- Mức độ C: Một số kim loại nặng khác, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, một vài hợp chất hữu cơ (Toluen, Styren, Benzen...), các sản phẩm phụ của quá trình khử trùng.
Trong trường hợp nước bị nhiễm bẩn do dầu thải nên xét nghiệm các chỉ tiêu nào?
Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, bản chất của dầu là các hợp chất hidrocacbon: có cả các hợp chất mạch thẳng, mạch vòng, mạch nhánh. Ngoài ra, trong dầu thải còn lẫn cả các tạp chất tùy thuộc vào việc loại dầu này đã được sử dụng để làm gì, đó có thể là các chất clo hóa, các hợp chất nhóm lưu huỳnh hoặc kim loại nặng.
Tiến sĩ Thường cũng nhấn mạnh: “Các thông số gây độc đáng chú ý trong dầu/dầu thải là: pentan, propan, các hợp chất hữu cơ mạch vòng như: toluen, benzen, styren; xylen, etyl benzen nên nếu muốn xác minh chất lượng nước của gia đình, trong trường hợp nghi bị ô nhiễm do dầu/dầu thải, người dân nên tập trung phân tích các thông số này”
Minh Nhật