1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghỉ lễ: Lưu ý "đặc sản" dễ gây ngộ độc, sán chui vào gan

Minh Nhật

(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng, các khu du lịch biển trở thành lựa chọn của nhiều gia đình trong dịp 30/4 - 1/5.

Hải sản tái - Gỏi cá: Đặc sản cần lưu ý

Thời tiết nắng nóng, các khu du lịch biển trở thành lựa chọn của nhiều gia đình trong dịp 30/4 - 1/5.

Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mùa lễ hội, các nhà hàng thường đông đúc nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu sơ chế nguyên liệu, cũng như khâu chế biến thường không được đảm bảo.

Điều này tiềm ẩn nguy cơ các loại vi khuẩn từ môi trường lẫn vào thực phẩm hoặc các loại vi khuẩn có sẵn trong thực phẩm chưa được tiêu diệt hết vì nấu không kỹ.

Nghỉ lễ: Lưu ý đặc sản dễ gây ngộ độc, sán chui vào gan - 1

Cần lưu ý khi ăn hải sản để bảo vệ sức khỏe (Ảnh: Getty).

Chuyên gia này nhấn mạnh, các bữa tiệc nên hạn chế hải sản sống, tái vì đây là nhóm thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

Một trong những loại khuẩn gây bệnh quen thuộc nhất là phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây bệnh tả. Người mắc bệnh tả có biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy, nôn nhiều lần nhanh chóng dẫn đến mất nước, mất điện giải.

Nếu không được điều trị kịp thời sẽ diễn tiến trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong.

"Chúng ta có nguy cơ cao nhiễm phẩy khuẩn tả khi ăn các loại hải sản sống như: hàu sống, gỏi cá, gỏi mực… hoặc hải sản không được chế biến đúng cách", BS Thiệu phân tích.

Bên cạnh đó, ngay cả với các loại hải sản đã nấu chín cũng nên ăn sớm sau khi chế biến, bởi chúng sẽ nhanh chóng bị vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và phát triển.

Một số loại hải sản như: cá thu, cá ngừ nếu bị nhiễm khuẩn thì thịt cá bị biến thành chất độc Histamine, nếu ăn vào sẽ gây đỏ da, nóng bừng, đau đầu, khó thở…

Bên cạnh hải sản, các loại gỏi cá sông/hồ cũng là món ưu thích trong thời tiết nắng nóng. Sán lá gan nhỏ là loại ký sinh trùng rất nguy hiểm có thể tiềm ẩn trong món ăn này.

Theo BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhiều người đang vô tình đưa sán lá gan vào người chỉ vì những món khoái khẩu.

Nghỉ lễ: Lưu ý đặc sản dễ gây ngộ độc, sán chui vào gan - 2

Thói quen ăn gỏi cá làm tăng nguy cơ mắc sán lá gan nhỏ (Ảnh: Getty).

Sán lá gan nhỏ là sán lá truyền qua cá (Fishborne Trematode). Người nhiễm do ăn cá sống có ấu trùng sán. Khi ấu trùng sán lá gan nhỏ được người ăn phải, chúng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi chui lên đường mật của gan để phát triển trưởng thành, ký sinh vĩnh viễn tại đó.

"Bệnh sán lá gan nhỏ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây nên những tổn thương đường mật, túi mật, các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm như: Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, kích thích và viêm đường mật, áp xe đường mật; xơ hóa lan tỏa ở khoảng cửa, tổ chức gan tăng sinh, đặc biệt có thể gây ung thư đường mật", BS Thọ cho hay.

Theo thống kê, có hơn một triệu người nhiễm sán lá gan nhỏ ở nước ta mỗi năm. Tỷ lệ nhiễm đặc biệt cao ở những nơi có hồ nuôi cá.

Nguyên tắc tránh ngộ độc, nhiễm giun sán

Để đề phòng các bệnh lý do ký sinh trùng và ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo:

- Chỉ ăn tại các cơ sở uy tín, chất lượng thực phẩm đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi, đặc biệt không nên ăn các loại cá, ốc chưa được nấu chín kĩ dưới mọi hình thức, không ăn các loại rau sống mọc dưới nước.

- Thực hiện rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải...

- Quản lý phân người và phân động vật, không dùng phân tươi để bón rau.

- Sử dụng nước sạch để ăn uống.

Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, người bệnh phải đến cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm