Nghêu chứa khuẩn gây ngộ độc, thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc chứa axit

(Dân trí) - Trong tháng 2/2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện khuẩn Samonella trong 1 mẫu nghêu thu tại vùng Giao Thủy (Nam Định) và 1 lô thức ăn chăn nuôi nhập từ Trung Quốc có chỉ số axit vượt giới hạn cho phép.

Đó là thông tin do ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm, Thủy sản (Bộ NN&PTNT) công bố tại buổi họp giao ban quản lý chất lượng nông lâm thủy sản diễn ra chiều 05/3, tại Hà Nội.

Phát hiện 1 mẫu nghêu chứa khuẩn Samonella gây ngộ độc (Ảnh minh họa)
Phát hiện 1 mẫu nghêu chứa khuẩn Samonella gây ngộ độc (Ảnh minh họa)

Theo ông Tiệp, trong tháng 2/2014, Cục đã phối hợp với cơ quan địa phương tiến hành lấy 50 mẫu nhuyễn thể, 100 mẫu nước để kiểm tra các chỉ tiêu độc tố sinh học biển, tảo độc, vi sinh vật và kim loại nặng. Kết quả kiểm tra đã phát hiện Samonella, một loại khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, trong 1 mẫu nghêu thu hoạch tại vùng Giao Thủy (Nam Định) và đã xử lý theo quy định.

“Qua kiểm tra 4.500 lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã phát hiện 2 lô hàng không đạt yêu cầu chất lượng (chiếm 0,04%), trong đó 25 tấn thức ăn bổ sung nhập khẩu từ Trung Quốc và 550 tấn cám mỳ nhập từ Pakistan có chỉ số axit rất cao so với giới hạn cho phép. Hiện Cục Chăn nuôi đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý 2 lô hàng vi phạm này”, ông Tiệp khẳng định.

Theo ông Tiệp, dịp Tết nguyên đán vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã chủ trì 3 đoàn thanh tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở 6 tỉnh, thành phố gồm TPHCM, Tây Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Long An, và An Giang. Kết quả cho thấy trong 20 cơ sở được thanh, kiểm tra có 13 cơ sở vi phạm quy định về VSATTP (chiếm 65%). Các vi phạm chủ yếu về ghi nhãn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, chất lượng sản phẩm thực phẩm và công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Đoàn thanh tra đã đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh/thành phố xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định.

Ông Nguyễn Như Tiệp,
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm, Thủy sản (Bộ NN&PTNT) (Ảnh: T.N)

Cục cũng đã tiến hành kiểm tra hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ 10/1 đến 10/2 với gần 4.000 lô hàng có trọng lượng hơn 335.000 tấn với hơp 60 mặt hàng nhập khẩu từ 34 quốc gia. Kết quả cho thấy không có mẫu nào trong tổng số 22 mẫu kiểm tra phân tích rau, củ, quả các loại phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Như vậy thực phẩm rau, củ, quả nhập khẩu trong thời gian này đáp ứng tiêu chuẩn ATTP.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra đánh giá các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP trên cả nước thời gian qua còn khá lơ là. Cụ thể, mặc dù Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương sử dụng phần mềm báo cáo tháng về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản, nhưng trong tháng 2/2014 chỉ có 12 tỉnh gửi báo cáo về Bộ gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận, Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Bình, Sóc Trang, Tiền Giang, Vĩnh Long, và Vĩnh Phúc; trong đó có 9 tỉnh triển khai kiểm tra, đánh giá cơ sở kinh doanh. Kết quả cho thấy hầu hết các tỉnh chưa có tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ, một số loại hình sản xuất kinh doanh đã được các tỉnh chú trọng tổ chức tái kiểm tra nhưng tỷ lệ xếp loại C (không đạt yêu cầu về VSATTP) vẫn còn rất cao với 100% cơ sở sơ chế, chế biến động vật và sản phẩm động vật; 90% cơ sở thu gom, kinh doanh nguyên liệu thủy sản; 94,6% cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản; 100% cơ sở sơ chế, chế biến rau, củ, quả; và 92,86% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm các loại cây công nghiệp.

 Nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về kiểm tra nhanh ATTP tại chợ đầu mối/sàn đấu giá tại Hà Nội, sắp tới Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm, Thủy sản sẽ làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của thành phố để tiến hành thí điểm thiết bị kiểm tra nhanh ATTP này nhằm hỗ trợ người tiêu dùng quyết định kịp thời mua hay không mua sản phẩm đó.

Cục cũng đã trình Bộ xem xét, phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án Xây dựng và Phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc và đang tổ chức triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại 10 tỉnh phía Bắc (10 chuỗi), 5 tỉnh miền Trung (5 chuỗi) và 7 tỉnh phía Nam (8 chuỗi).

Thảo Nguyên