Nghệ An: Gia tăng trẻ nhập viện trong những ngày nắng nóng
(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng, trung bình mỗi ngày có từ 800-1.000 bệnh nhân đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để khám và điều trị. Nhiều ca mắc chân tay miệng và thủy đậu cũng đã được ghi nhận.
Suốt một tuần qua tại Nghệ An xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận từ 37-39 độ C. Thời tiết nắng nóng khiến số trẻ phải đến bệnh viện khám và điều trị tăng cao.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, từ ngày 8-11/6, bệnh viện đã đón 3.259 lượt bệnh nhân đến khám, gần 1 nửa trong số đó phải nhập viện điều trị nội trú. Trong đó có 40% bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt; 20% bệnh nhân nhập viện do tiêu chảy.
Sáng 12/6, anh Nguyễn Văn Tú (Yên Thành, Nghệ An) đưa con gái hơn 1 tuổi tới Bệnh viện Sản Nhi khám. “Hai hôm nay cháu bị sốt, chảy nước mũi, quấy khóc. Xuống bệnh viện tỉnh khám nhưng đông bệnh nhân quá nên cháu mới chỉ khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng phải đến chiều mới thực hiện được”, anh Tú cho biết.
Từ thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), bà Nguyễn Thị Đàn vượt gần 100 km đưa cháu ra TP Vinh để khám. “Cháu bị đi ngoài nhưng vẫn ăn, ngủ bình thường. Tôi hỏi người quen thì bảo là không đáng ngại nhưng để yên tâm nên tôi đưa cháu ra đây kiểm tra”.
Bác sỹ Bùi Anh Sơn – Trưởng Khoa hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết hiện khoa đang có hơn 100 bệnh nhân điều trị nội trú, chủ yếu là do viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản.
“Trong thời tiết nắng nóng, bố mẹ tránh cho trẻ đi ra ngoài. Luôn duy trì nhiệt độ phòng ở mức từ 27-30 độ C, tránh luồng gió từ điều hòa thổi thẳng vào mặt, người trẻ. Khi ở phòng điều hòa, tránh bế trẻ ra ngoài đột ngột dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Đặc biệt, bố mẹ cần chú ý bổ sung dinh dưỡng hợp lý và cho trẻ uống đủ nước”, bác sỹ Bùi Anh Sơn khuyến cáo.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thời gian qua cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu, chân tay miệng, trong đó có một số trẻ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, co giật, nôn ói.
Bé Nguyễn M.K. (18 tháng tuổi, TP Vinh) cũng được bố mẹ đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, co giật. Qua kiểm tra, các bác sỹ cho biết bé bị chân tay miệng nhưng do không được can thiệp sớm nên dẫn tới biến chứng. Sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe bé K. đã ổn định, có thể xuất viện.
Chị Nguyễn Thị H., mẹ bé K. tâm sự: “Tuần trước cháu bị sốt, có khi lên tới 39 độ. Tôi cho cháu dùng thuốc hạ sốt nhưng chỉ cắt cơn sốt tạm thời. Trên da cháu, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân, cẳng chân xuất hiện các nốt đỏ, tôi cứ nghĩ là do cháu sốt quá nên bị phát ban, đến khi cháu co giật, lả người đi mới hốt hoảng gọi xe đưa con vào viện", . Người mẹ trẻ vẫn chưa hết day dứt bởi sự chủ quan và kém hiểu biết của mình đã khiến con rơi vào nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hồ Thị Lan, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bệnh chân tay miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Bệnh có thể gây thành dịch lớn.
Đa phần trẻ có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn tiến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.
Hoàng Lam