Nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt, bác sĩ cảnh báo rủi ro mùa nắng nóng

(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng gây hiện tượng mất nước, mất điện giải khiến người cao tuổi dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim tăng nhanh, nghiêm trọng nhất là sốc nhiệt và tai biến mạch máu não.

Bệnh nhân nhập viện tăng gấp đôi

Kiểu thời tiết cực đoan của mùa hè tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người cao tuổi. Trên thực tế, từ khi cả nước bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, số lượng bệnh nhân cao tuổi được Bệnh viện Lão khoa Trung ương tiếp nhận cũng đã tăng vọt.

Nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt, bác sĩ cảnh báo rủi ro mùa nắng nóng - 1

Bác sĩ Hà Thị Vân Anh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương

Bác sĩ Hà Thị Vân Anh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ: “Trong giai đoạn thời tiết mát mẻ, trung bình mỗi ngày một bác sĩ tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương thăm khám 30-35 bệnh nhân. Tuy nhiên, từ đầu mùa hè đến nay, con số này đã tăng gần gấp đôi, lên mức 45-60 bệnh nhân/ngày. Số bệnh nhân phải nhập viện cũng tăng, hầu hết do các vấn đề về tim mạch và hô hấp”.

Theo lý giải của chuyên gia này, thời tiết nắng nóng đặc trưng của mùa hè gây hiện tượng mất nước, mất điện giải khiến người cao tuổi dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, nhịp tim tăng nhanh. Thêm vào đó, hiện tượng nắng mưa thất thường trong những ngày gần đây cũng làm phát sinh những vấn đề về mũi họng, hô hấp như: viêm mũi xoang, viêm phế quản hoặc khởi phát các đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Nguy cơ sốc nhiệt, tai biến mạch máu não do nắng nóng

Tuy nhiên, 2 vấn đề nguy hiểm nhất với người cao tuổi thường gặp khi thời tiết quá nắng nóng vẫn là sốc nhiệt và tai biến mạch máu não.

Nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt, bác sĩ cảnh báo rủi ro mùa nắng nóng - 2

“Khi thời tiết quá nắng nóng, người già dễ bị sốc nhiệt. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do tốc độ sinh nhiệt vượt quá khả năng đào thải của cơ thể, dẫn đến tình trạng rối loạn hoặc ngừng các quá trình chuyển hóa của cơ thể, gây tổn thương nhiều cơ quan. Những người làm việc hoặc đi lại dưới thời tiết nắng nóng (thường trên 40 độ C) trong thời gian dài, đặc biệt là trong khoảng thời gian cao điểm 10h-14h sẽ dễ bị sốc nhiệt. Người bị sốc nhiệt sẽ có biểu hiện sốt cao, khó thở, rối loạn nhịp tim, nặng có thể suy hô hấp, hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến suy đa cơ quan như: suy gan, suy thận, tiêu cơ vân, trụy tim mạch…” – BS Vân Anh cho biết.

Nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt, bác sĩ cảnh báo rủi ro mùa nắng nóng - 3

Khác với sốc nhiệt, tình trạng tai biến mạch máu não ở các bệnh nhân lớn tuổi, mà Bệnh viện Lão khoa Trung ương tiếp nhận vào mùa Hè, lại thường xuất phát từ việc sử dụng điều hòa sai cách.

Chuyên gia này phân tích: “Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi đi từ ngoài nắng vào phòng điều hòa lạnh sẽ khiến huyết áp và nhịp tim người cao tuổi thay đổi mạnh, là nguyên nhân dẫn đến cơn tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim cấp (do co mạch đột ngột)”.

Các dấu hiệu cảnh báo “bệnh mùa hè” ở người cao tuổi

Nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt, bác sĩ cảnh báo rủi ro mùa nắng nóng - 4

Khác với người trẻ, người cao tuổi có khả năng điều chỉnh bị suy giảm nên một số dấu hiệu “cảnh báo” về bệnh lý thường không dễ nhận ra. Theo BS Vân Anh, vào mùa hè, cần hết sức lưu ý với những triệu chứng sau ở người lớn tuổi: đau họng, ho, sốt, khó thở, chóng mặt, đau mỏi xương khớp, rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa…, bởi đây có thể là “phần nổi” của các vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn, và nên đến khám tại các cơ sở y tế sau khi ghi nhận, để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, đặc biệt với các bệnh nhân có nhiều bệnh nền mãn tính thì càng cần phải chú ý hơn.

Cách bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa Hè

Để đảm bảo an toàn cho người cao tuổi trong giai đoạn thời tiết tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe như hiện nay, BS Vân Anh lưu ý những nguyên tắc sau:

- Hạn chế ra ngoài trong những ngày nắng gắt. Trong trường hợp có việc buộc phải ra ngoài thì cần che chắn cẩn thận, luôn chuẩn bị sẵn áo mưa, ô để tránh mưa đột ngột.

- Không nên ở ngoài trời nắng quá lâu. Để tránh những tác động có hại trên tim mạch, khi đi ngoài trời nắng về không nên vào phòng điều hòa ngay và tránh giải khát nhanh bằng cách uống nước lạnh, bia lạnh.

- Chỉ nên duy trì điều hòa ở mức 26-27 độ C. Bên cạnh đó, phòng điều hòa nên có quạt gió để không khí trong phòng được lưu thông.

Nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt, bác sĩ cảnh báo rủi ro mùa nắng nóng - 5

- Duy trì chế độ tập thể dục hàng ngày. Vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát nên tập thể dục ngoài trời với các bài tập phù hợp cho người cao tuổi như đi bộ, tập dưỡng sinh… Khi thời tiết quá nắng nóng có thể lựa chọn tập thể dục trong nhà như đạp xe tại chỗ, đi bộ với máy tập chạy, tập yoga…

- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Minh Nhật