Ngành rượu bia nước giải khát lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn
(Dân trí) - Có những cơ sở do muốn tiết kiệm chi phí đã sử dụng lại bã rượu nấu cho thêm đường và phân urê vào để nấu lần thứ hai, để rượu trong và không có mùi, người ta còn đưa vào rất nhiều loại hóa chất... là thực trạng về nấu rượu thủ công.
Tại Hội thảo lấy ý kiến cho Quy hoạch ngành rượu bia nước giải khát đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025, theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện nay, chỉ có những doanh nghiệp (DN) lớn mới đảm bảo được các yếu tố về tiêu chuẩn VSATTP, còn lại rất nhiều DN nhỏ có công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu VSATTP.
Giám đốc Công ty rượu Hà Nội, ông Hồ Văn Hải đã chỉ rõ: "Thị trường rượu còn có rất nhiều sản phẩm được nấu theo phương pháp thủ công có chứa nhiều độc tố. Có những cơ sở do muốn tiết kiệm chi phí đã sử dụng bã rượu nấu cho thêm đường và phân urê vào để nấu lần thứ hai. Để rượu trong và không có mùi, người ta còn đưa vào rất nhiều loại hóa chất… Thị trường rượu ngoại thì lượng rượu lậu rất lớn. Trong khi đó, chính sách của Việt Nam bộc lộ nhiều sơ hở khiến thị trường rượu rất nhốn nháo, cả rượu giả, lậu”.
Trước thực trạng đó, các đại biểu đều cho rằng để phát triển bền vững trong thời gian tới thì cần gia tăng các yếu tố về tiêu chuẩn VSATTP và môi trường. Quy hoạch ngành rượu bia nước giải khát cũng cần phải coi đó là những mục tiêu hàng đầu.
Tổng giám đốc Công ty rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Nguyễn Quang Minh, cho biết: "Hiện vẫn rất thiếu các bộ tiêu chuẩn về an toàn chất lượng trong ngành rượu bia. Trong khi đó, nếu có định hướng xuất khẩu thì nhất thiết phải có lộ trình nâng chuẩn của Việt Nam về độ an toàn phù hợp với chuẩn của thế giới. Khi đã hội nhập thì các DN cũng cần được định hướng về sản xuất và vấn đề môi trường vì các nước thường có xu hướng sử dụng các yếu tố môi trường như là một rào cản thương mại hợp pháp".`
Nói đến quy hoạch ngành rượu bia nước giải khát, một số doanh nghiệp còn cảm thấy… lo ngại. Ông Nguyễn Văn Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty rượu bia nước giải khát Hà Nội cho biết: “Quy hoạch 2001 được Chính phủ phê duyệt. Ngành rượu bia đã từng đau đầu về quy hoạch, DN lớn phải tiếp nhận rất nhiều DN yếu kém. Quy hoạch từ công suất 400 triệu lít - phải chấp nhận 1 tỷ lít. Rất nhiều DN nhập lậu nguyên liệu cho sản xuất. Trong khi đó, vấn đề quản lý chất lượng trong các quy định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng, cụ thể”.
Ông Nguyễn Quang Minh lại chỉ ra một bất cập khác: “Quy hoạch cần bắt nguồn từ yếu tố người tiêu dùng nhưng lại đề cập ít. DN Nhà nước mâu thuẫn giữa vai trò đóng góp với nhà nước và lợi nhuận. Chưa rõ nét về môi trường và an toàn tới sức khỏe của người sử dụng. Trong khi yếu tố này có thể đánh sập DN hàng trăm năm tuổi”.
Trước thực tế đó, một số đại biểu cho rằng, để xác định quy hoạch phát triển ngành trong thời gian tới, Việt Nam cần tham khảo tình hình phát triển của các nước trong khu vực Châu Á. Về an toàn thực phẩm, đại diện Tribeco rất mong muốn các cơ quan chức năng cần xây dựng chuẩn để làm cơ sở phát triển cho ngành và đó cũng chính là cho các DN.
Lan Hương