Ngâm mình trong nước siêu bẩn dọn rác: Cẩn trọng những bệnh hiểm tấn công

Biên Thùy

(Dân trí) - Các chuyên gia khuyến cáo, khi nguồn nước bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết… sẽ khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện lan truyền mầm bệnh.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền mạnh mẽ hình ảnh các thành viên trong một câu lạc bộ ở TPHCM ngâm sâu cơ thể trực tiếp trong nguồn nước bẩn để vớt rác bám dày đặc, che hết mặt nước đen ngòm.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự cảm động trước nghĩa cử đẹp của họ khi dùng cả thân mình để góp phần làm sạch môi trường. Song song đó, cũng có các ý kiến nên dùng công cụ hỗ trợ, đồng thời bày tỏ nỗi lo về sức khỏe cho các thành viên nêu trên, khi nguồn nước tiếp xúc quá ô nhiễm.

Ngâm mình trong nước siêu bẩn dọn rác: Cẩn trọng những bệnh hiểm tấn công - 1

Hình ảnh thanh niên ngâm mình trong nước bẩn để dọn rác thải gây bão mạng (Ảnh: MXH).

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khi nguồn nước bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết… lẫn vào sẽ khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, bùng phát, dẫn đến lan truyền mầm bệnh.

Các bệnh dễ mắc phải bao gồm: Bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông…); các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, thương hàn); các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột); bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn…

Bác sĩ Võ Thanh Hải, chuyên khoa Nội tổng quát chia sẻ thêm, nước là nhân tố thiết yếu đối với sự sinh tồn của con người. Khi nguồn nước bị nhiễm bẩn có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Cụ thể, các bệnh đường tiêu hóa (thường gặp là tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt...) thường xảy ra do người khỏe ăn hoặc uống phải những thực phẩm, nước uống bị nhiễm vi khuẩn có trong phân người.

Ngâm mình trong nước siêu bẩn dọn rác: Cẩn trọng những bệnh hiểm tấn công - 2

Nước bẩn có thể khiến con người dễ mắc phải nhiều bệnh (Ảnh: MXH).

Các bệnh lây truyền trên đều có thể ngăn ngừa được, nếu chúng ta thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản, như rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đại tiện hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh; thực hiện ăn chín, uống sôi; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng và bảo quản tốt các nguồn nước sạch, giữ môi trường sạch sẽ…

Kế đến là bệnh do giun sán (như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim), thường lây truyền do trứng giun của người bệnh theo phân ra ngoài rồi lại vào hệ tiêu hóa của người khỏe qua thức ăn, nước uống nhiễm bẩn hoặc chui qua da người vào cơ thể và gây bệnh.

Để phòng bệnh giun sán, bác sĩ khuyên người dân không nên ăn gỏi cá, không ăn các loại gia súc bị bệnh chết, không đi chân đất hay để trẻ nhỏ mặc quần thủng đũng. Đặc biệt, cần chú ý tẩy giun, sán định kỳ và theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Viêm gan A cũng là bệnh lây truyền qua phân có trong nước và thức ăn ô nhiễm. Nước bẩn cũng là điều kiện để gây ra các bệnh do muỗi truyền, như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... 

Ngâm mình trong nước siêu bẩn dọn rác: Cẩn trọng những bệnh hiểm tấn công - 3

Mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi (Ảnh: MXH).

Ngoài ra, việc ngâm mình liên tục trong nước ô nhiễm cũng khiến công nhân hay người dân tiềm ẩn các nguy cơ gặp phải bệnh về mắt, bệnh ngoài da hay bệnh phụ khoa. Bác sĩ Hải phân tích, đa phần các bệnh nêu trên có thể truyền từ người bệnh sang người lành qua nước.

Vì thế, bác sĩ khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp bảo hộ như quần áo chống ngấm nước, dùng dụng cụ vớt rác... khi tiếp xúc nguồn nước ô nhiễm lâu, cần phải nhanh chóng tắm rửa vệ sinh sạch sẽ.

Do đó, để phòng tránh các bệnh này cần có đủ nước sạch để sử dụng hằng ngày. Đồng thời thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, khi tắm rửa hay giặt giũ phải dùng xà phòng và nước sạch, không dùng chung quần áo với người bệnh và không mặc quần áo khi còn ẩm.

Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác, đổ chất thải bừa bãi ra thiên nhiên, ao hồ, sử dụng nguồn nước sạch. 

Cần chú ý hơn khi lựa chọn nguồn thực phẩm, rau quả tươi và đảm bảo chất lượng, không có thuốc trừ sâu, xử lý kỹ để loại trừ trứng giun sán cùng các chất ô nhiễm, đồng thời thực hiện ăn chín, uống sôi...