Ngã ngửa vì thành F0 lần 3: "Tôi tưởng Covid-19 đã biến mất"
(Dân trí) - Tỉnh dậy với cổ họng đau rát, người ê ẩm như bị ai đánh, cô gái trẻ "ngã ngửa" khi chiếc vạch thứ hai hiện lên trên kit test nhanh Covid-19. Chỉ trong vòng 12 tháng, cô đã 3 lần thành F0.
3 lần thành F0 chỉ trong 12 tháng
Tỉnh dậy với cổ họng đau rát, người ê ẩm như bị ai đánh, Khánh Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi), 26 tuổi, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội có dự cảm chẳng lành.
Chiếc vạch thứ hai hiện lên trên kit test nhanh Covid-19 khiến cô ngã ngửa.
"Tôi tưởng Covid-19 đã biến mất. Ai ngờ!", cô gái trẻ chia sẻ với PV Dân trí qua điện thoại với giọng khản đặc.
Chỉ trong vòng 12 tháng, Ngọc 3 lần trở thành F0. Trước đó, vào đầu tháng 4/2022, Ngọc lần đầu mắc Covid-19 cùng thời điểm Hà Nội ghi nhận đều đặn hơn 1.000 ca Covid-19 mỗi ngày. Chỉ sau đó 4 tháng, Ngọc lại test nhanh dương tính SARS-CoV-2 sau một trận sốt.
Cũng như những lần trước, khi test nhanh dương tính SARS-CoV-2, Ngọc tự cách ly trong phòng, nhờ người nhà mua các loại thuốc hạ sốt, thuốc chữa viêm họng, C sủi và oresol theo kinh nghiệm của những lần làm F0 trước đó.
"Mỗi lần mắc Covid-19 lại như "trời hành", lần này cũng không phải là ngoại lệ", Ngọc chia sẻ.
"3 ngày nay, tôi sốt trên 38 độ, cổ họng như có gai nuốt nước bọt cũng đau, rét run, toàn thân mỏi nhừ, đầu đau như búa bổ. Nhưng đáng sợ nhất là việc mất ngủ vì trong họng luôn có cảm giác kích thích muốn ho nhưng lại không ho được thành tiếng", cô nói thêm.
Công việc của Ngọc có thể làm từ xa. Thế nhưng từ khi đổ bệnh đến nay, cô cũng gần như chẳng động được vào máy tính. Là một người bận rộn, việc phải "gác kiếm" nhiều ngày liền mỗi lần trở thành F0 được cô gái trẻ này ví như một "tai họa".
"Tôi cảm thấy mệt mỏi khi cứ tái nhiễm Covid-19. Cuộc sống và công việc của tôi trong một năm trở lại đây bị xáo trộn rất nhiều. Không chỉ là 3 - 4 ngày nghỉ ốm vì Covid-19, mà sau khi âm tính, cơ thể tôi bị xuống sức cần đến một hai tuần mới hồi phục", Ngọc thở dài.
Chỉ cách đây vài tháng, Ngọc được cơ quan thông báo đăng ký tiêm vaccine Covid-19 mũi 4. Thế nhưng nghĩ rằng Covid-19 đã hết, cô gái trẻ quyết định bỏ qua đợt tiêm phòng này.
Nghỉ ốm liên tục vì "dịch này chưa qua, dịch khác lại đến"
8 tháng trước, chị Quyên (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi, sống tại Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) xếp gọn các túi thuốc chữa Covid-19, khẩu trang 3M, kính chắn giọt bắn vào một góc phòng kho sau khi âm tính SARS-CoV-2, không nghĩ rằng mình lại phải cần đến những thứ này một lần nào nữa.
Ngày 8/4, chị Quyên xuất hiện triệu chứng đau họng. Nghĩ rằng do thời tiết Hà Nội mấy ngày nay ẩm ương, chị cũng không lo ngại gì.
Thế nhưng chỉ 2 ngày sau, hàng loạt triệu chứng khác ập đến: sốt, ho, nhức mỏi, kèm theo việc báo đài liên tục đưa tin về dịch Covid-19 gia tăng trở lại, chị quyết định test nhanh.
Kết quả không nằm ngoài dự đoán: Dương tính SARS-CoV-2.
"Tôi phải nghỉ ở nhà cả tuần nay. Đây là lần thứ hai tôi mắc Covid-19, không nghĩ là tái nhiễm sớm như vậy. Các triệu chứng của lần này cũng tương tự như lần trước. Tôi có phần lo lắng nguy cơ trở nặng, khi lần tiêm phòng vaccine Covid-19 gần nhất đã cách đây khá lâu", chị Quyên chia sẻ.
Sau lần mắc Covid-19 đầu tiên, chị Quyên thấy người yếu hơn, tần suất ốm vặt cũng nhiều hơn thấy rõ. Mới đây, chị cũng vừa nằm liệt giường mấy ngày khi Hà Nội rộ dịch cúm A.
"Tôi vốn thể trạng yếu sẵn. Cơ thể sau khi mắc Covid-19 lần đầu chưa kịp hồi phục hẳn lại liên tục bị "vật" bởi các đợt dịch khác", chị Quyên chia sẻ, bày tỏ tiếc nuối khi quyết định dừng lại ở hai mũi vaccine Covid-19.
Cùng cảnh ngộ tái nhiễm Covid-19, 2 ngày gần đây, anh Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi) 29 tuổi, nhân viên văn phòng tại Mỹ Đình (Hà Nội) xin nghỉ phép, tự cách ly trong một phòng riêng.
"Triệu chứng tôi gặp phải cũng như bị cảm cúm thông thường. Thêm vào đó, tôi đã tiêm 3 mũi vaccine phòng Covid-19 nên cũng khá an tâm về sức khỏe của mình. Điều lo nhất là đứa út mới hơn một tuổi", anh Tuấn cho hay.
Đây là lần thứ ba anh Tuấn mắc Covid-19. Cuối năm 2021, lần lượt từng người trong gia đình nhỏ của người đàn ông này thành F0, trong đó có cháu bé chỉ mới 4 tháng tuổi.
Anh Tuấn nói: "Sau lần mắc Covid-19, tôi thấy con hay ốm hơn hẳn. Các bác sĩ chỗ tôi hay đưa con đi khám cũng bảo rằng sau đợt dịch Covid-19, nhiều trẻ sức đề kháng suy giảm. Thật vậy thời gian mấy tháng trở lại đây, khu khám dịch vụ nhi mà tôi hay đưa con đến thường xuyên trong cảnh đông đúc, phải xếp hàng".
Ca Covid-19 tăng nhưng không có tử vong
Những ngày gần đây, Covid-19 gia tăng trở lại. Ngày 14/4, số ca mắc Covid-19 mới tại nước ta vẫn tiếp tục đà tăng lên con số 780. Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện ca mắc Covid-19 tăng nhưng không có tử vong. Dù vậy, chúng ta vẫn cần cảnh giác để có biện pháp đáp ứng kịp thời với Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết. Các tỉnh thành phố cần xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp cho phù hợp, bố trí kinh phí.
TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, số mắc Covid-19 lúc tăng, lúc giảm không chỉ xảy ra ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới.
"Sau khi nghe thông tin về tình trạng mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng, nhiều người dân trỗi dậy sự lo lắng. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh, thực hiện tốt 2K, tiêm vaccine. Các tỉnh chưa tiêm đạt tỷ lệ thì cần tiếp tục triển khai", TS Tâm nhấn mạnh.