1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nên làm điện tâm đồ trước khi nâng ngực

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho thấy rằng trong trường hợp bệnh nhân nâng ngực, việc bản ghi điện tim có thể cho kết quả sai, dẫn đến chẩn đoán nhầm cơn đau tim.

Nâng ngực có thể làm sai lệch kết quả điện tim.
Nâng ngực có thể làm sai lệch kết quả điện tim.

Nghiên cứu, được trình bày tại Hội nghị Hội Tim mạch Châu Âu EHRA EUROPACE-CARDIOSTIM 2017, tổ chức tại Vienna, Áo, được đăng tải trên tạp chí Europace.

Điện tâm đồ (ECG) là bản ghi hoạt động điện của tim, được thực hiện bằng cách gắn máy ghi điện tim vào da ngực, cánh tay và chân.

ECG có thể cho biết tim đập nhanh đến mức nào, liệu nhịp tim có bất thường không, và mô hình xung điện ở từng phần của tim.

ECG được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim, đau tim, suy tim, nhịp tim bất thường, hoặc loạn nhịp, và các bệnh lý khác ở tim.

Xét nghiệm này được sử dụng thường xuyên ở các bệnh viện, phòng mổ và và các phòng khám ngoại trú. Các khoa cấp cứu cũng sử dụng xét nghiệm này để kiểm tra cơn đau ngực.

Khó quan sát tim qua túi nâng ngực

Năm 2016, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã tiến hành gần 290.500 ca nâng ngực ở Mỹ, tăng 4% so với năm 2015. Hầu hết các túi nâng ngực chứa nước muối hoặc gel silicon, được sử dụng để tăng kích thước vòng một, cũng như để tạo hình ngực hoặc thay đổi hình dạng ngực, ví dụ như sau phẫu thuật đoạn nhũ.

Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là TS Sok-Sithikun Bun, Bệnh viện Princess Grace ở Monaco, giải thích: "Kinh nghiệm cho thấy việc nâng ngực khiến rất khó quan sát tim trên siêu âm vì siêu âm không thể xuyên qua túi nâng. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu nâng ngực có ảnh hưởng đến điện tâm đồ hay không".

Trong nghiên cứu, 28 phụ nữ đã nâng ngực và 20 phụ nữ đối chứng cùng độ tuổi không nâng ngực được làm điện tâm đồ. Tất cả các đối tượng đều khỏe mạnh và không có bằng chứng về bệnh lý cấu trúc ở tim.

Mỗi bản ghi điện tâm đồ được phân tích bởi hai chuyên gia không biết về các đối tượng.

Một chuyên gia tuyên bố tất cả các bản ghi điện tâm đồ của nhóm chứng là bình thường. Còn người kia nói rằng một trong số họ là bất thường.

Nhận thức được khả năng có bất thường ECG

Khi kiểm tra ECGs của nhóm đã nâng ngực, một chuyên gia cho biết 38% trong số họ là bất thường, trong khi người kia nói rằng 57% là bất thường.

TS Bun tiết lộ: "Sự khác biệt chính giữa hai nhóm phụ nữ là việc nâng ngực", và kết luận rằng các bản ghi ECG bất thường là do túi nâng ngực.

"Mặc dù rất khó siêu âm tim ở phụ nữ có túi nâng ngực, song những thông số này chỉ ra rằng họ có tim bình thường và không có bệnh lý về cấu trúc tim, cho thấy không có vấn đề nào ở tim nào có thể giải thích được cho ECG bất thường.

Các bác sĩ thường xem xét những mô hình khác nhau trên ECG - chẳng hạn như "ST chênh xuống " và "sóng T đảo ngược” - để chẩn đoán cơn đau tim.

TS Bun cho biết mô hình hay gặp hơn trên các bản ghi ECG bất thường ở nhóm nâng ngực là "sóng T đảo ngược từ các chuyển đạo V1 đến V4, tiếp theo là ST chênh xuống".

"Sóng T đảo ngược là một dấu hiệu không đặc hiệu nhưng có thể chỉ ra sự có mặt của bệnh động mạch vành, trong khi ST chênh xuống chỉ ra rằng bệnh nhân có thể đang bị cơn đau tim", ông giải thích.

TS. Bun khuyên bệnh nhân nên cho bác sĩ biết nếu họ có nâng ngực trước khi làm điện tâm đồ. Họ cũng nên xem xét làm điện tâm đồ trước khi đi nâng ngực để lưu hồ sơ nhằm so sánh sau đó. "Các bác sĩ cần biết rằng việc đọc kết quả điện tâm đồ có thể bị sai lệch ở bệnh nhân nâng ngực. Nếu nghi ngờ về chẩn đoán, cần thực hiện xét nghiệm máu tùy vào triệu chứng".

Cẩm Tú

Theo MNT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm