1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nắng nóng nguy cơ gây đột quỵ: Khuyến cáo từ ngành y tế TPHCM

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, say nắng và đột quỵ là các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng.

Tối 3/3, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ tiếp tục phát lên thông tin dự báo nắng nóng tại khu vực miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, trong 24 giờ qua, nắng nóng đã thu hẹp hơn ở các tỉnh miền Đông, nhưng nhiệt độ cao nhất vẫn dao động trong khoảng 35-36 độ C, có nơi cao hơn (như Trị An - Đồng Nai ở mức 36,7 độ C; Phước Long - Bình Phước là 36,4 độ C).

Dự báo trong 24-48 giờ tới, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở miền Đông và một số địa điểm miền Tây. Riêng khu vực miền Đông sẽ có nơi nắng nóng gay gắt, cao nhất có thể lên hơn 37 độ C. Thời gian nắng nóng trong ngày được khuyến cáo là từ 12h đến 16h.

Nắng nóng nguy cơ gây đột quỵ: Khuyến cáo từ ngành y tế TPHCM - 1

Người dân chạy xe giữa thời tiết nắng nóng (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, nắng nóng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể, các vấn đề thường gặp trong mùa nắng nóng là say nắng, say nóng và đột quỵ. Nguyên nhân chủ yếu do người dân tiếp xúc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, hoặc là do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Có 3 nhóm đối tượng nguy cơ cao bị ảnh hưởng do nắng nóng. Thứ nhất là người già, trẻ em, phụ nữ. Thứ hai là người lao động ngoài trời (như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng, người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở lò gạch, luyện gang thép…).

Ngoài ra, còn có những người mắc bệnh mãn tính (như tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư…),

Để phòng ngừa các bệnh do nắng nóng, HCDC khuyến cáo người dân nên uống đủ nước. Kế đến, hạn chế tiếp xúc với nắng nóng, tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang, mang váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay và vớ chân. Chọn những chất liệu vải thông thoáng và dễ thấm hút mồ hôi.

Người dân cũng cần nghỉ ngơi, có thời gian cho cơ thể thích nghi với nhiệt độ khi thay đổi môi trường. Ngoài ra, cần ăn uống hợp lý (tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, tránh uống quá nhiều cà phê hoặc đồ uống có cồn...) và rèn luyện thân thể, tăng cường sức đề kháng.

Nắng nóng nguy cơ gây đột quỵ: Khuyến cáo từ ngành y tế TPHCM - 2

Theo HCDC, người dân cần tránh uống nhiều đồ uống có cồn để phòng ngừa các bệnh do nắng nóng (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

HCDC cũng đưa ra lời khuyên với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng. Đó là nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát nhất trong ngày (như sáng sớm hoặc chiều muộn), hạn chế làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.

Sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc, bạn nên nghỉ ngơi định kỳ ở nơi thoáng mát trong 5-10 phút. Khi làm việc ngoài trời, cần sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân (như mũ, nón, kính và quần áo bảo hộ lao động) để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là vùng vai gáy. Có thể sử dụng kem chống nắng.

Người lao động cũng có thể chủ động làm thoáng mát nơi làm việc, bằng cách sử dụng mái che, tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa và quạt thông gió...

Hãy uống đủ nước, bổ sung muối và khoáng chất như Oresol đối với những người mất nhiều mồ hôi và dinh dưỡng đầy đủ. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần tránh sử dụng các loại đường hấp thu nhanh như nước ngọt, bánh kẹo.