Nam thanh niên "vỡ phổi" khi đang... thủ dâm
(Dân trí) - Khi đang thủ dâm, nam thanh niên 20 tuổi bất ngờ xuất hiện khó thở, đau tức ngực dữ dội phải nhập viện.
Theo thông tin được Daily Mail đăng tải, đây là một trường hợp rất hy hữu. Bệnh nhân là nam thanh niên 20 tuổi người Thụy Sỹ.
Theo thông tin từ các bác sĩ, nam thanh niên nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, mặt sưng tấy và có dấu hiệu tràn khí dưới da từ vùng mặt, xuống cổ ngực và khủyu tay 2 bên, nghe tim phổi bình thường.
Kết quả chụp X - Quang và CT - scanner ngực cho thấy, hình ảnh tràn khí dưới da vùng ngực, cổ và kéo dài tới đáy hộp sọ.
Bệnh nhân được chẩn đoán tràn khí trung thất tự phát, được chuyển vào trung tâm cấp cứu điều trị và theo dõi trong 4 ngày, cho đến khi tình trạng ổn định. Tại bệnh viện, nam thanh niên này được thở oxy, điều trị bằng paracetamol và thuốc kháng sinh để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Sau khi vượt qua tình trạng nguy hiểm, bệnh nhân vẫn còn cảm thấy đau tức ngực trong 3 ngày tiếp theo.
Qua điều tra bệnh sử, nam thanh niên này cũng được xác định bị hen suyễn nhẹ không được điều trị và rối loạn tăng động giảm chú ý.
Theo các chuyên gia, tràn khí trung thất tự phát là một tình trạng hiếm gặp. Sinh lý bệnh của tràn khí trung thất tự phát có thể được giải thích bằng sự gia tăng đột ngột áp lực trong lồng ngực dẫn đến quá căng và vỡ màng phế nang. Hậu quả là rò rỉ khí dọc theo vỏ của mạch phổi vào mô trung thất. Khi áp lực trung thất tăng lên ở một điểm nhất định, không khí rời khỏi khoang trung thất đến các mô xung quanh gây ra tràn khí dưới da.
Tràn khí trung thất tự phát chủ yếu xảy ra ở nam giới trẻ tuổi. Tràn khí trung thất tự phát có thể xảy ra sau khi ho dữ dội, hoạt động thể chất cường độ cao, nôn mửa nhiều hoặc tăng áp lực ổ bụng. Các yếu tố dễ mắc bệnh là tiền sử hút thuốc lá, hen suyễn cấp tính và sử dụng ma túy. Đã có một số trường hợp tràn khí trung thất tự phát xảy ra khi đang quan hệ tình dục được báo cáo, nhưng xảy ra khi tự thủ dâm thì là lần đầu tiên được biết đến.
Đây là một bệnh lý lành tính và có thể tự khỏi, tuy nhiên cần được theo dõi sát và hỗ trợ điều trị. Việc giáo dục bệnh nhân tránh các yếu tố nguy cơ có thể gây tái phát trong tương lai là rất cần thiết.