Nam thanh niên nghịch súng kíp, 5 viên đạn nổ găm vào cổ tay

(Dân trí) - Nam thanh niên đến nhà bạn chơi, thấy khẩu súng kíp gác trên mái nhà đưa xuống xem. Trong lúc nghịch súng, bất ngờ súng nổ, 5 viên đạn bắn thẳng vào cổ tay phải làm nam thanh niên bị thương.

Nam thanh niên nghịch súng kíp, 5 viên đạn nổ găm vào cổ tay - 1

PGS.TS, BS chuyên khoa 2, Cao Trường Sinh - Giám đốc Bệnh viện Trường ĐH Y khoa Vinh cho biết, trước đó vào chiều ngày 6/5 - đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị vỡ đầu dưới xương quay phải do đạn bắn.

Ngày 5/5, anh Lô Văn Th. (27 tuổi, trú xã Lạng Khê, Con Cuông, Nghệ An) đến nhà bạn chơi, thấy khẩu súng kíp gác trên mái nhà nên kéo súng xuống xem chơi. Trong lúc nghịch súng, bất ngờ súng nổ, 5 viên đạn bắn thẳng ở cự ly gần vào cổ tay phải của anh Th.

Sau đó, anh Th. được đưa xuống Bệnh viện Trường ĐH Y khoa Vinh để chữa trị. Tại đây, qua kết quả khám và chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện anh Th. bị vỡ đầu dưới xương quay, tổn thương cung động mạch gan tay sâu, không tổn thương gân gấp duỗi và các dây thần kinh. 

Trong cổ tay anh Th. còn 4 mảnh bạn lớn bằng chì và nhiều mảnh kim loại nhỏ khác, 1 viên lớn đã xuyên từ trước ra sau.

Nam thanh niên nghịch súng kíp, 5 viên đạn nổ găm vào cổ tay - 2

Các mảnh đạn được gắp ra từ cổ tay bệnh nhân Lô Văn Th.

Các bác sĩ trong ca phẫu thuật cho biết thêm: Do bệnh nhân đến viện sau 1 ngày bị thương, dù đã được băng bó tốt, nhưng vẫn bị tổn thương động mạch do chất độc trong viên đạn súng kíp ngấm vào (khi làm đạn súng, người ta trộn các viên chì với chất độc tự chế để tăng tính sát thương) nên bàn tay phải của anh Th. sưng nề, bầm tím.

Bác sỹ chuyên khoa cấp 2, Hồ Văn Bình chia sẻ: "Vết thương hỏa khí như thế này rất thường gặp trong chiến tranh. Ngày nay ít gặp nếu gặp thầy thuốc thiếu kinh nghiệm, không được chữa trị kịp thời thì bệnh nhân có thể nhiễm uốn ván hoặc hoại thư sinh hơi, sẽ nguy hiểm đến tính mạng".

Nam thanh niên nghịch súng kíp, 5 viên đạn nổ găm vào cổ tay - 3

Bàn tay phải bệnh nhân sau 3 ngày phẫu thuật các ngón gấp duỗi bình thường.

Để điều trị vết thương do hỏa khí như trường hợp Th., các bác sĩ đã phải lấy hết các mảnh đạn và chất độc, cắt lọc sạch vết thương, ghép lại mảnh xương vỡ, thắt động mạch bị đứt do quá thời gian có thể nối, dùng kháng sinh liều cao để chống nhiễm trùng, đặc biệt chống nguy cơ bị uốn ván và nhiễm khuẩn hoại thư sinh hơi.

Hiện bệnh nhân Th. đã được phẫu thuật và dùng kháng sinh đúng, sau 3 ngày, bàn tay phải của anh Th. đã hết sưng, các ngón đủ tuần hoàn nuôi dưỡng nên hồng hào trở lại, cử động các ngón phục hồi 100%.

Nguyễn Phê