Mua axit chanh để... muối dưa, làm chua nước canh

Chất làm chua được người bán hàng, chủ hàng cơm bụi "thúc" cho dưa muối, cà pháo, dưa góp... nhanh "chín" hơn, hoá ra là axit chanh, vừa được sử dụng trong thực phẩm, vừa để tẩy trắng quần áo.

Có mặt tại chợ Ngọc Hà, ngày 16/4 hỏi mua axit chanh, chúng tôi được chỉ đến quầy hàng khô. Tại một quầy hàng khô, chị bán hàng nhanh nhẩu: "2.000đ một lạng. Phải mua tối thiểu 1 lạng". Hỏi: "Cái này để muối dưa chua hả chị", chị bán hàng giãy nảy lên: "Ai lại muối dưa. Chỉ có các hàng cơm, khi me, sấu đắt, người ta mua để vẩy vào nước rau tạo độ chua thôi. Với lại, ai cần tẩy trắng quần áo thì mua về tẩy".

 

Lúc này, mới để ý, chị bán đồ khô còn bán cả dưa muối. Có lẽ vì thế mà chị phản ứng quầy quậy về việc hỏi mua axit chanh để muối dưa cho nhanh. Chị chủ hàng này cũng thừa nhận tuy nhà mình không dùng axit này vào việc muối dưa, cà, dưa góp... nhưng muốn mua axit này ở Đồng Xuân không thiếu.

 

Lần theo địa chỉ, chúng tôi đã tìm tới chợ Đồng Xuân, khu bán đồ khô để hỏi axit chanh. Tại đây theo một số chủ cửa hàng cho biết cần mua bao nhiêu cũng có, không bán theo lạng mà bán theo cân. 27.000đ/kg, không mặc cả. Tại một cửa hàng, khi đề nghị lấy một cân, anh bán hàng chạy ngay vào kho lấy ra một túi nilon đựng chất màu trắng trông như đường. Đoạn anh lấy bút ghi 2 chữ to tướng: Axit rồi đưa cho chúng tôi.

 

Túi được gọi là axit đó không bao bì, nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ. Hỏi anh: "Về dùng muối dưa được không?", anh gật. Hỏi: "Tẩy quần áo được không?", anh này cũng gật. Hỏi: "Liều lượng thế nào?", anh bảo: "Tùy. Đủ dùng thì thôi". Người bán hàng còn nói thêm, cái này mọi người mua nhiều, họ dùng để làm gì thì chẳng biết.

 

Chúng tôi đã làm cuộc thực nghiệm: Muối 2 hộp dưa, một hộp có sử dụng axit chanh và một không dùng axit. Kết quả: Dưa có sử dụng axit chỉ sau 3 tiếng lá đã ngả vàng, sau một đêm ăn được. Khi ăn dưa có vị chua giòn nhưng hơi gắt. Còn dưa không có axit qua một đêm lá vẫn xanh ngắt, chưa ăn được. Với nước rau muống luộc, ngay lập tức nước rau đổi màu như có đánh dấm me, nước có vị chua, nhưng sau vị chua nếu để ý sẽ có vị hơi chát, không thơm mùi me. Với xu hào để làm dưa góp, có lẽ cho axit hơi quá tay nên sau một lúc xu hào trở nên trắng bệch (như đã được tẩy trắng), vị chua gắt. Chưa áp dụng tẩy quần áo nhưng nhìn sự tẩy trắng xu hào có thể tin quần áo cũng sẽ được trắng như vậy.

 

Thực tế, axit chanh được mua - bán nhiều, nhưng các cửa hàng cơm, bánh mỳ pa tê có bán dưa góp, hàng dưa chua mà chúng tôi hỏi đều phủ nhận việc dùng axit chanh để cho vào các thực phẩm. Không biết, vì lợi nhuận, có bao nhiêu cửa hàng bán dưa, để bán được nhiều hàng hơn đã sử dụng axit mà không để dưa lên men tự nhiên?

 

PGS. TS Phạm Công Thành, phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghiệp thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội:

 

Đơn thuần chỉ là chất tạo vị chua

 

Axit chanh chính là axit citric, được phép dùng trong công nghiệp thực phẩm, dùng để cho vào kẹo, bánh, nước giải khát. Quan trọng là axit này có lẫn tạp chất hay không, tạp chất đó là gì (tức là độ tinh, sạch), nguồn gốc xuất xứ như thế nào?

 

Với cà, dưa muối xổi, cho axit chanh vào thì nhanh được ăn nhưng nó không còn là quá trình lên men tự nhiên. Nhìn bề ngoài thì cà chín, nhưng thực ra bên trong chưa chín. Nếu dùng thay me, chanh thì không có vị thơm. Đây đơn thuần chỉ là chất tạo vị chua.

 

Axit này còn được dùng để tẩy màu. Nếu quần áo bị bẩn, có thể dùng thuốc tím để oxy hoá chất màu, sau đó ngâm axit để quần áo trắng sạch.  

Theo Khoa học & Đời sống