Một số lưu ý khi đi tàu xe ngày Tết
(Dân trí) - Do xe cộ tắc nghẽn, đường dài ngồi lâu, không khí chen chúc ở trong khoang xe... nên nguy cơ bị các bệnh tật tấn công cũng tăng lên rất nhiều.
Vào dịp Tết, không khí lạnh, lưu lượng người đông, mật độ tập trung lớn, tiếp xúc gần tăng lên cho nên đây cũng chính là thời điểm các bệnh về đường hô hấp hoành hành, đặc biệt là cúm. Thêm vào đó, trên đường đi, do điều kiện vệ sinh hạn chế, không được thường xuyên rửa tay, thông gió trên xe ô tô, tàu khá kém, mệt mỏi khiến sức đề kháng giảm thấp… làm tăng thêm nguy cơ bị cúm.
Khuyến nghị: Nên đeo khẩu trang khi lên tàu xe, ngồi cạnh cửa sổ để thông gió, thường xuyên uống nước; không nên tùy tiện nhổ nước bọt, nhổ đờm, tránh hết sức không để cho tay tiếp xúc với mắt, mũi và miệng. Trước khi xuất phát nếu có bị cúm thì nên lùi ngày khởi hành lại để tránh lây lan cho người khác.
Đau bụng đi ngoài
Trong khi ngồi trên xe đường dài hoặc tàu hỏa, nước sạch thông thường là thiếu hoặc không đủ, cộng với điều kiện vệ sinh kém; chưa kể những người thích nhậu ngay trên tàu xe… đều dễ gây ra đau bụng, đi ngoài, nôn mửa vv.
Khuyến nghị: Nên chú ý vệ sinh ẩm thực là tiền đề để tránh bệnh về đường ruột, dạ dày. Ở trên xe, trước khi ăn cơm nên dùng xà phòng rửa tay, nếu sợ thiếu nước thì trước khi lên xe nên chuẩn bị khăn ướt tẩy trùng hoặc nước rửa tay khô, trước khi ăn cơm lấy ra dùng. Không nên tùy tiện dùng tay trực tiếp tiếp xúc với thức ăn, tránh dùng loại đũa và bát một lần và không nên ăn đồ quá lạnh.
Say xe
Đây là triệu chứng thường gặp, kế cả cơ thể có mạnh khỏe đi chăng nữa cũng cảm thấy sau khi xe dừng mình vẫn đứng không vững, người nôn nao. Điều này là do thời gian dài ngồi trên xe, tâm trạng căng thẳng, cơ thể không thoải mái, mệt mỏi quá độ gây ra.
Khuyến nghị: Say xe là do tiền đình trong tai bị kích thích quá độ vì thế có thể uống thuốc chống say hoặc cắt miếng gừng tươi đắp vào rốn, hoặc uống nước gừng tươi…. Ngoài ra, người hay say xe nên đảm bảo ngủ đầy đủ vào hôm trước khi đi tàu xe, không nên ăn quá no, không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa và uống thuốc chống say 1 tiếng trước khi lên xe. Khi ngồi trên xe nên tránh nhìn những đồ vật di chuyển ở bên ngoài cửa sổ xe.
Ngồi trên xe trong thời gian quá dài, “hạ chi” cũng dễ bị “tổn thương”. Sau khi ngồi lâu hoặc đứng lâu, vấn đề thường găp nhất là phần chân, phần đùi phù thũng, sưng phù. Nghiêm trọng thì sẽ xuất hiện tụ máu, ảnh hưởng đến lưu thông máu... dẫn đến ngất xỉu.
Khuyến nghị: Khi ngồi lâu hoặc đứng lâu, nếu có điều kiện thì nên uống nhiều nước, kể cả không có nhiều không gian để vận động thì cũng nên thường xuyên thay đổi tư thế ngồi, đứng; có thể làm một số động tác nhỏ cho phần chân và đùi, như xoay xoay cổ chân, nhún bàn chân hoặc dùng tay xoa chân từ trên xuống dưới để trợ giúp cho máu lưu thông, cứ cách 1 tiếng là làm một lần các động tác đó, như thế sẽ phòng chống hình thành nên máu cục ở chân dưới, chứng phù thũng cũng sẽ được giảm đi nhất định, đồng thời khi xe dừng lại thì nên xuống dưới để đi lại, vận động, hô hấp không khí trong lành.
Dương Hằng
Theo 39net