TS Viên Quang Mai, phó viện trưởng viện Pasteur Nha Trang:

Một số địa phương đã đến mức công bố dịch tay chân miệng

Cả nước đã có 114 người tử vong vì bệnh tay chân miệng với gần 62.000 ca mắc trên khắp 61 tỉnh, thành phố. Xét nghiệm của viện Pasteur Nha Trang phát hiện 9 người lành mang vi-rút, chiếm tỷ lệ hơn 20% số mẫu xét nghiệm…. Một số địa phương đã đến mức để công bố dịch”.

TS Viên Quang Mai, Phó viện trưởng viện Pasteur Nha Trang, đơn vị được giao nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho 11 tỉnh miền Trung đã nói như trên sau chuyến kiểm tra tình hình dịch bệnh tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

 

TS Mai cho biết, từ tháng 1/2011, tại miền Trung đã rải rác xuất hiện những ca tay chân miệng và tăng mạnh từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7. Sang tháng 8, bệnh giảm khoảng 30% nhưng từ cuối tháng 9 đến nay tăng mạnh trở lại, có tuần lên đến 730 ca. Chủng vi-rút EV71 nguy hiểm (tỷ lệ gây tử vong cao) tỉnh nào cũng có, riêng Bình Định, số ca có EV71 chiếm đến 60% số mẫu xét nghiệm.

 

Cục Y tế dự phòng: vẫn kiểm soát tốt!

 

Ngày 4/10, TS Nguyễn Văn Bình, cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) vẫn tiếp tục nhận định, bệnh tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp trong những tháng tới, gia tăng số ca mắc và tử vong nhưng “trong tầm kiểm soát”. Đến thời điểm này, chưa có địa phương nào công bố dịch, các ca mắc tăng là do số tỉnh có bệnh nhân tay chân miệng tăng lên chứ tại một tỉnh không tăng đột biến về số ca mắc mới. Để hạn chế bệnh gia tăng, bộ Y tế và bộ Giáo dục và đào tạo đang phối hợp triển khai kế hoạch hành động liên ngành về phòng chống bệnh dịch tay chân miệng trong trường học năm học 2011 – 2012.

Tiến sĩ có thể cho biết những khó khăn mà các tỉnh miền Trung gặp phải khi phòng chống bệnh tay, chân, miệng?

 

11 tỉnh miền Trung đã có 10 trường hợp tử vong, trong đó có hai trường hợp xác định do EV71, 8 trường hợp khác không lấy mẫu kịp thời nên không xác định được. Bệnh tay chân miệng mới xuất hiện tại miền Trung từ năm 2006, các năm tiếp theo có người mắc nhưng không tử vong. Vì vậy, công tác giám sát không chú ý nhiều. Ngay cả bộ Y tế cũng phải đến năm 2008 mới có hướng dẫn giám sát điều trị. Cũng vì không có tử vong nên số liệu thu thập không đầy đủ. Tháng 5 có ca tử vong đầu tiên, bệnh lan ra nhiều tỉnh, viện phải gửi công văn liên tục, các địa phương mới chú ý nhiều, lấy mẫu chính xác hơn.

 

Theo ông, vì sao năm nay, bệnh tay chân miệng lại diễn biến phức tạp như vậy?

 

Do khí hậu thay đổi nên dịch bệnh biến đổi nhanh và tác nhân gây bệnh cũng thay đổi rất nhanh, chủng này vừa giảm, chủng khác đã nổi lên. Bản thân người dân ít được tuyên truyền, nên cũng coi thường. Bây giờ tuyên truyền nhưng người dân vẫn chưa thấm nhiều. Mọi năm, bệnh này tập trung ở nhà trẻ, năm nay có tỉnh thống kê được 87% số trẻ bị bệnh là trong cộng đồng.

 

Bệnh đã lây lan rộng nên phải tuyên truyền để mỗi hộ gia đình phải tự ý thức vệ sinh cho trẻ nhỏ và người lớn. Quản lý chặt phân trẻ em, tránh mầm bệnh lây ra thực phẩm, bởi mầm bệnh vào ruột phát triển rất nhanh. Trẻ lớn và người lớn không biểu hiện bệnh ra ngoài nhưng cũng có thể chứa mầm bệnh làm lây lan. Vừa rồi xét nghiệm 34 người nhà bệnh nhân, chúng tôi phát hiện đến 9 người có EV, và EV71.

 

Ngay từ trong tư duy, người dân phải hiểu rằng bản thân mình cũng mang mầm bệnh, bản thân mình phải thực hiện vệ sinh, ăn chín, uống sôi… Nơi công cộng, các khu vui chơi, siêu thị cần vệ sinh hai lần/ngày. Bệnh dễ phát tán vì lây chủ yếu qua nước giải và phân trẻ.

 

Bệnh đã lây lan rộng, vậy theo ông, các địa phương có nên công bố dịch?

Một số địa phương đã đến mức công bố dịch tay chân miệng - 1


 

Theo tôi, một số địa phương đã đến mức công bố dịch. Theo quy định thì địa phương có các ca dịch bệnh tăng lên bất thường, tác nhân gây bệnh mới, quy mô vượt tầm kiểm soát… sẽ phải công bố dịch. Hiện bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi đã ở mức độ nặng, 14/14 huyện, thành phố có ca bệnh. Những tỉnh khác có thể công bố dịch theo huyện, theo xã. Còn yếu tố vượt tầm kiểm soát của từng địa phương thì phải do lãnh đạo chính quyền quyết định. Tuy nhiên, các địa phương rất khó và không dám nói là dịch vượt tầm kiểm soát của mình. Họ ngại vì nhiều lý do khác nhau.

 

Việc các địa phương “ngại” công bố dịch sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

 

Mặc dù không công bố dịch, nhưng qua kiểm tra, tất cả các tỉnh đều có chỉ đạo các ngành hỗ trợ ngành y tế dập dịch. Tuy nhiên, nếu công bố dịch, các địa phương sẽ dễ dàng mua sắm vật tư, hoá chất, trang bị để cứu chữa bệnh nhân, để phòng chống dịch như máy thở, máy lọc máu… Hay tiền công chi trả phòng chống dịch. Hiện nay, có quy định 50.000 đồng/1 công đi phun hoá chất chloramine B, nhưng không địa phương nào thuê được, có địa phương phải trả đến 200.000 đồng cho một công phun mà không có người làm. Rồi chi trả hỗ trợ cho những người chăm sóc bệnh nhân, những người phòng chống dịch.

 

Bệnh này có một số ca chuyển biến nhanh khi từ độ 1 sang độ 3 – 4 chỉ trong vòng 24 giờ, chết rất sớm, nên người dân tìm đến bệnh viện nhiều, dẫn đến bệnh viện quá tải. Chính vì vậy lực lượng điều trị cũng rất mệt mỏi. Đà Nẵng, Quảng Ngãi có nơi chỉ có 50 giường nhưng có đến 200 bệnh nhân, nằm ra tận hành lang. Nếu không công bố dịch thì lực lượng cán bộ y tế, những người tham gia phòng chống dịch vẫn phải làm nhưng không được động viên kịp thời.

 

Công bố dịch tuỳ phạm vi, mức độ, cấp độ xử lý ở từng địa phương, chứ không phải tất cả. Theo tôi, quan trọng nhất là ngay lúc bắt đầu nghi có dịch, cần quy chế đặc biệt để giám sát, khoanh vùng. Chi phí một ca lúc đó có thể rất đắt nhưng hiệu quả sẽ rất cao. Chúng tôi đã đề nghị về việc này nhiều lần nhưng không được.

 

Viện Pasteur TPHCM: công bố dịch là thẩm quyền các tỉnh

 

Ngày 4/9, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, TS Trần Ngọc Hữu, viện trưởng viện Pasteur TPHCM, nói: “Chúng tôi chưa có thông tin về việc viện Pasteur Nha Trang khuyến cáo các tỉnh công bố dịch tay chân miệng. Viện Pasteur TP.HCM chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin về tình hình và xu hướng dịch bệnh, còn quyết định công bố dịch hay không thuộc về trách nhiệm của UBND các tỉnh. Quyết định này được đưa ra dựa trên cái nhìn tổng thể về tác động trên kinh tế, xã hội và những ngóc ngách khác!”.

 
Theo L.Anh - L.Hà - P.Sơn

Sài Gòn tiếp thị