Chết oan vì chủ quan với những vết cắn tưởng vô hại

Nam Phương

(Dân trí) - Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Vì chủ quan, nhiều người không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn, khi đã lên cơn dại thì tử vong là 100%.

Nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc vì chủ quan 

Thời gian qua, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An liên tục tiếp nhận 2 trẻ đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nghi do chó dại cắn. Trong đó, một bé hơn 3 tuổi, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, xuất tiết nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước.

Qua khai thác tiền sử, trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó mèo và khoảng một tháng trước, gia đình có một con chó chết không rõ nguyên nhân.

Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận một trẻ 9 tuổi, với chẩn đoán bị bệnh dại. 

Tương tự, trong tháng 2, Gia Lai, Quảng Trị… đã ghi nhận ca tử vong vì bệnh dại sau khi bị chó cắn.

Chết oan vì chủ quan với những vết cắn tưởng vô hại - 1

Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại (Ảnh minh họa: T.Law).

Dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong. 

Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm nước ta có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016. 

Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dại là bệnh lưu hành tại nước ta. Nguyên nhân chủ yếu là do chó cắn, con chó bị dại cắn người thì nó có khả năng lây truyền bệnh dại sang người. 

Thời gian ủ bệnh rất khác nhau. Có thể khoảng 10 ngày sau khi bị chó cắn người đó đã lên cơn dại và tử vong, nhưng cũng có thể đến hàng năm. Chó cắn với vết cắn sâu hoặc ở những vị trí gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh thường ngắn hơn.

Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng được

Theo TS Phu, ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, nếu con chó được tiêm phòng dại thì nguy cơ mắc dại của nó sẽ giảm đi. Hiện nay, tại nước ta, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chưa được cao. "Tôi đã chứng kiến có nhà nuôi 2-3 con chó, song khi chính quyền vận động đi tiêm phòng dại cho chó thì họ chỉ mang 1 con đi tiêm", TS Phu nói. 

Ngoài ra, ở miền quê nhiều người nuôi chó để thịt, sau một thời gian lại nuôi chó mới. Chó được tiêm vaccine thì đã bị giết, đàn chó mới thì chưa được tiêm. Vì thế, luôn hình thành đàn chó mới mà không được tiêm vaccine phòng dại. Khi đó, nguy cơ nhiễm bệnh dại ở chó cao, từ đó khả năng lây bệnh dại sang người cũng cao lên. 

Chết oan vì chủ quan với những vết cắn tưởng vô hại - 2

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Ảnh: Trần Minh).

Theo TS Phu, Việt Nam có luật Thú y quy định chó nuôi phải như thế nào, không được thả rông ngoài đường, khi ra đường thì phải đeo rọ mõm. Tuy nhiên, ở nước ta người dân không tuân thủ. Vì thế, việc người bị chó cắn thường xuyên xảy ra, như thế nguy cơ bị chó dại cắn cũng tăng lên. 

Thứ 2 là bệnh dại trên người có thể hoàn toàn điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Nếu người bị cắn được tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh với tỷ lệ cao.

"Một người khi đã lên cơn dại thì 100% tử vong, không thể nào chữa được. Rất may là hiện nay chúng ta có thể tiêm vaccine phòng dại cho những người bị chó cắn. Trường hợp nặng thì cần tiêm cả huyết thanh", TS Phu nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, vì bị chó dại cắn thì một người mới có khả năng bị lây truyền bệnh dại. Vì thế, nhiều người có tâm lý chủ quan bị chó cắn nhưng không đi tiêm vaccine phòng dại vì nghĩ con chó đó không sao. Đến khi, người đó lên cơn dại thì đã không kịp, không thể chữa được. 

Đồng thời, theo chuyên gia có một thực trạng là nhiều người khi bị chó cắn không đi tiêm vaccine mà đi chữa thuốc nam. Trong khi dại là một bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, dùng thuốc nam không có tác dụng. 

Ngoài ra, vaccine phòng dại hiện đã an toàn hơn trước nhưng giá vẫn còn cao. Vì thế ở một số nơi, người dân không đủ tiền để tiêm vaccine hoặc tiếc nên không đi tiêm. Một số địa phương có ủng hộ kinh phí để tiêm miễn phí cho các đối tượng nghèo nhưng không nhiều.

Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Nếu người bị cắn được tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh rất cao.

Để phòng bệnh dại, người nuôi chó cần phải tuân thủ quy định: tiêm vaccine phòng dại cho chó, đi ra ngoài phải nhốt, rọ mõm. Người dân không may bị chó cắn thì phải tiêm vaccine phòng dại. 

"Thậm chí có trường hợp bị bệnh dại dù không bị chó cắn hoặc bị cắn nhẹ. Lý do là con chó ngáp, nước bọt chứa virus dại rơi vào vết thương hở thì người đó cũng có thể bị lây truyền bệnh", TS Phu giải thích. 

Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả người và động vật. 

Để chủ động phòng chống bệnh dại mùa nắng nóng, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa lại bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Lưu ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. 

Đồng thời, người bị cắn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm ngừa dại kịp thời.