Một ngày ở khoa Truyền nhiễm

(Dân trí) - Không người thăm bệnh, chỉ có những bệnh nhân nét mặt lo lắng, khắc khoải mong ngày ra viện. Dường như bận rộn, hối hả nhất là các y bác sĩ. Một ngày nơi đây, chúng tôi ghi nhận biết bao bộn bề và lo toan của các bóng áo blouse trắng.

Đến khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Thống Nhất TPHCM trong đại dịch cúm A/H1N1 này, ai cũng dễ dàng nhận ra điều ấy!

 

Vất vả tay chân, tinh thần căng thẳng

 

Khoa Truyền nhiễm có 7 bác sĩ, 3 hộ lý, 16 điều dưỡng. Chừng ấy con người thực hiện cả “núi” công việc mỗi ngày khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát, hoành hành.

 

Nhưng con số ít ỏi đó cũng không duy trì được mãi khi một số “rơi rụng” vì không may “dính” cúm, phải cách ly tại bệnh viện hoặc tại nhà. Vậy là áp lực công việc dồn lên vai các bác sĩ  càng nhiều. Hiểu được gánh nặng công việc đó, Giám đốc bệnh viện đã phải điều thêm cán bộ từ những khoa khác tới “ứng cứu”.

 

Bác sĩ Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết: Mỗi ngày có 2 kíp trực tại khu vực cách ly. Mỗi kíp gồm 3 người là bác sĩ, hộ lý và điều dưỡng. Trước khi bước vào phòng cách ly, cán bộ y tế phải mặc đồ phòng hộ, đeo kính, găng tay kín mít và ngộp thở trong chiếc khẩu trang N95. Họ đi đến từng phòng, từng giường để thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân. “Ân cần, chu đáo” là những gì mà người bệnh nhận được tại nơi này.

 

Một ngày ở khoa Truyền nhiễm - 1

Lặng lẽ nơi phòng cách ly...

Do đặc thù của bệnh nên khu cách ly không được bật hệ thống máy điều hòa. Vậy là hết ca trực, cởi bộ đồ phòng hộ, găng tay, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đều mồ hôi ướt đẫm bộ blouse trắng; vết bao găng hằn sâu nơi cổ tay.

 

Một chị điều dưỡng tâm sự: “Mặc dù đeo kính, găng tay, đồ bảo hộ nhưng cũng không dám chắc có thể bảo vệ cho mình cả trăm phần trăm. Hễ sơ hở một tý là mình có thể mang vi rút. Nếu nhiễm vi rút mà không triệu chứng thì mình đâu biết được. Vô tình mình mang ra lây lan cho cộng đồng, cho con, người thân mình ở nhà. Nghĩ có thế thôi, cũng đủ thấy áp lực tinh thần rất lớn”.

 

Trái ngược với không khí “thanh bình, nhàn tản” của khu vực cách ly, khu vực phục vụ cho nó lại hối hả, tất bật đến ồn ã. Bảng phân công chi chít công việc. Điện thoại từ trong khu cách ly gọi ra, các yêu cầu từ đây đều được các bác sĩ bên ngoài đáp ứng trong tích tắt. Nếu không điện thoại thì ra dấu hiệu cho nhau qua tấm cửa kính. Vài động tác khua tay, múa chân, người bên ngoài gật gật đầu rồi nhanh chóng đáp ứng.

 

Một ngày ở khoa Truyền nhiễm - 2

Tất bật nơi phòng tổng hợp

“Công việc vẫn như mọi ngày nhưng trong môi trường đặc biệt hơn. Phải đảm bảo tuân thủ tối đa quy trình chống nhiễm khuẩn, khu vực cách ly an toàn để không bị nhiễm từ người bệnh sang cho mình, không đem lây nhiễm ra cộng đồng, không lây nhiễm từ người đã nhiễm sang người đang chờ kết quả…”, bác sĩ Trưởng khoa tâm sự.

 

Chung một nỗi lo

 

Con số bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 ngày càng tăng thêm theo cấp số nhân và khi cả những bác sĩ, điều dưỡng cũng “dính” cúm thì nhiều người cảm thấy hoang mang lo lắng thực sự. Họ lo lắng vì đến cán bộ ngành y còn mắc bệnh thì virus này có chừa một ai.

 

Lo lắng cũng phải thôi bởi chính những bác sĩ, y tá, điều dưỡng bị nhiễm bệnh cũng mong mỏi ngày ra viện, có kết quả xét nghiệm âm tính, được về với gia đình bởi đa phần đều có con nhỏ.

 

Không một lời than thở… nhưng ai cũng dễ “đọc” được tâm trạng của những “bệnh nhân đặc biệt” này. Như bác sĩ K.H, trước khi phát hiện mình bị nhiễm virus H1N1, chị vẫn bế bồng, cho con bú. Sợ con nhiễm bệnh, chị H. phải nhờ đồng nghiệp đến nhà đưa con đi xét nghiệm. Trong lúc điều trị cách ly, chị bồn chồn không yên nghĩ đến cảnh chồng ốm sốt nằm nhà; đứa con nhỏ mới 5 tháng tuổi thiếu bàn tay âu yếm của mẹ đang khát sữa, nhớ mẹ.

 

Điều dưỡng P.H có đêm nằm trong phòng cách ly mà nước mắt lăn dài, không chợp mắt cả đêm bởi nỗi nhớ con, nhớ căn nhà trọ nhỏ ngập tràn hạnh phúc; thương chồng phải nghỉ việc ở nhà chăm con.

 

Nhìn đồng nghiệp bị nhiễm bệnh, phải cách ly, bác sĩ V.A chia sẻ: “Không chỉ khi bước vào phòng cách ly mà công tác tại khoa này là luôn cảm thấy lo lắng. Yếu tố dịch tễ bây giờ không như ngày xưa. Nó lây lan rộng, không có biểu hiện lâm sàng. Thăm khám ban đầu là lúc nguy cơ lây lan cao nhất. Bởi biết bệnh thì cũng đã tiếp xúc rồi”.

 

“Dự đoán dịch còn kéo dài. Tránh được hôm nay, những ngày sau có tránh được không? Nếu lỡ mình có vi rút nhưng do sức đề kháng tốt nên vượt qua được, không có biểu hiện, đến khi về nhà, lây lan sang cho con... Đó là chưa kể ngay cả những người xung quanh cũng dè dặt khi tiếp xúc với những người làm khoa Truyền nhiễm. Là bác sĩ, biết nhiều, nghĩ nhiều thì lo xa xôi hơn”, Chị V.A tâm sự.

 

Mặc dù ngổn ngang trăm mối như vậy nhưng cán bộ y bác sĩ khoa Nhiễm, bệnh viện Thống Nhất luôn biết động viên nhau để làm việc tốt.

 

Chỉ những ai yêu nghề thì mới làm được những điều như thế!

 

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm