Một bữa cỗ, hơn 20 người bị tiêu chảy cấp
(Dân trí) - Chiều 20/5, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, cho biết, một bữa cỗ tại tỉnh Hải Dương mới đây đã khiến trên 20 người bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó 2 người dương tính với khuẩn tả.
Lây lan nhanh ở bữa ăn tập thể
Trước đó, có một số người ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống tại Hà Nội, khi về Hải Dương thì bị tiêu chảy cấp. Một người trong số đó sau khi đi vệ sinh đã rửa ráy ở sân nước giếng khoan của gia đình. Hôm sau, nhà hàng xóm có cỗ đã sang mượn một số đồ, dụng cụ về nấu cỗ và sau bữa cỗ đã xảy ra hiện tượng tiêu chảy tập thể trên.
Kết quả xét nghiệm nước giếng khoan nhà bệnh nhân này cho thấy dương tính với khuẩn tả. Cán bộ y tế dự phòng đã tiến hành khử khuẩn nguồn nước hộ gia đình trên.
“Có thể nói khuẩn tả lây lan rất mạnh ở các bữa cỗ, bữa ăn tập thể. Vì thế, tại thời điểm này, tốt nhất nên hạn chế ăn uống tập thể. Tại những vùng có dịch, kiểm soát chặt những bữa ăn có đông người (cỗ), có thể yêu cầu các gia đình tổ chức bữa cỗ ký cam kết bảo đảm an toàn; nên xử lý các giếng khơi bằng CloraminB. Các địa phương, khi có trường hợp tiêu chảy cấp trong khi chờ kết quả xét nghiệm cần được xử lý đúng quy trình như một trường hợp tiêu chảy do khuẩn tả”, ông Nga khuyến cáo.
Người bệnh không nên “chạy” về quê
Theo TS Nguyễn Huy Nga, dịch tiêu chảy cấp do khuẩn tả bắt đầu có chiều hướng giảm. Trong ngày, không có thêm số địa phương ghi nhận có người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm mới, vẫn dừng lại ở 13 tỉnh thành có bệnh nhân dương tính với khuẩn tả, với 53 trường hợp tả và trên 500 ca nghi ngờ.
Về hai ca nghi ngờ tại tỉnh Yên Bái và Nghệ An, ông Nga cho biết, cả hai ca bệnh này, theo kết quả soi và cấy phân của bệnh viện tỉnh đều là dương tính với khuẩn tả. Tuy nhiên, hiện cần chờ kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ để khẳng định.
Cũng theo ông Nga, có một thực tế rất đáng lo ngại, đó là hiện tượng người dân các tỉnh sinh sống, làm việc tại Hà Nội, khi có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài liền... chạy về quê để nhập viện điều trị vì lo ở Hà Nội không có người chăm nom, chí phí điều trị đắt đỏ. “Điều này rất đáng lo ngại và chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng ra nhiều tỉnh thành”, ông Nga nói.
“Bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với khuẩn tả tại các tỉnh Yên Bái, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc... đều liên quan tới việc họ ăn uống ở Hà Nội, thấy dấu hiệu bệnh đều vội vàng về quê. Trong khi đó, khi một người xác định dương tính khuẩn tả, thì sẽ có thể lây ra cộng đồng, khiến 20 người lành mang trùng. Nếu con số này không giữ vệ sinh cá nhân, phóng uế bừa bãi... thì nguy cơ bệnh nhân rộng là khó tránh khỏi. Vì thế, khi có dấu hiệu bệnh, tốt nhất là nên tới bệnh viện gần nhất với nơi cư trú để được điều trị kịp thời và tránh lây lan rộng”, ông Nga nói.
Liên quan đến dịch cúm A/H1N1, để đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1) và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, ngày 19/5, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra tại các địa phương trọng điểm. Gồm các Đoàn Cục Y tế dự phòng và Môi trường; Đoàn Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm; Đoàn Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ; Đoàn Viện Pasteur Nha Trang; Đoàn Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Đoàn Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.
Các đoàn này có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện giám sát, điều trị và dự phòng lây nhiễm cúm A/H1N1), thanh tra an toàn thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống bệnh tả tại địa phương... Ngay trong sáng nay (20/5) các đoàn đã tiến hành kiểm tra tại địa phương phụ trách.
Hồng Hải