1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thêm một tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm

(Dân trí) - Ngày 28/5, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng chính phủ về tình hình dịch tiêu chảy cấp do khuẩn phẩy tả. Theo đó, Yên Bái là tỉnh thứ 14 có bệnh nhân dương tính với khuẩn tả.

Theo kết quả của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong tuần qua có thêm 38 trường hợp tiêu chảy cấp dương tính với khuẩn tả tại 8 tỉnh thành phố.
 
Như vậy, tính từ ngày 20/4/2009 đến 27/5/2009 cả nước đã ghi nhận 94 trường hợp dương tính với khuẩn tả trong tổng số 962 ca lâm sàng tại 14 tỉnh, thành phố, là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái và Nghệ An.
 
 
Thêm một tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm - 1
Bệnh nhân tiêu chảy cấp có xu hướng giảm nhưng vẫn cần tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ cho người dân trong những ngày hè nóng nực sắp tới. (Ảnh: H.Hải)

Tuy dịch đã xuất hiện trên diện rộng, 14 tỉnh thành nhưng tại một số địa phương, thành phố, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lại đang có dấu hiệu chững lại, giảm xuống hoặc không phát hiện thêm ca dương tính với khuẩn tả.

Bộ Y tế cũng đưa ra nhận định, trong thời gian tới, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dễ gây ngập lụt tạo điều kiện cho việc phát tán mầm bệnh, hơn nữa sự giao lưu qua lại giữa các khu vực ngày càng gia tăng, nên rất có thể sẽ có thêm những tỉnh mới ghi nhận bệnh nhân tiêu chảy cấp do khuẩn tả.

Vì thế, Bộ Y tế đã bổ sung sau các biện pháp chống dịch quyết liệt, tập trung vào công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở cung cấp, chế biến và bán thịt chó.

Ngoài ra, trước diễn biến căng thẳng của  dịch cúm A/H1N1 đang lưu hành trên thế giới, Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường giám sát các trường hợp mắc cúm tại các địa phương trong nước, nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ cúm A/H1N1, chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp mắc đầu tiên nếu dịch xâm nhập vào Việt Nam. Đồng thời, Sở Y tế các tỉnh có cửa khẩu quốc tế tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, chú ý các hành khách đi từ các vùng có dịch, thực hiện giám sát, quản lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ. Bố trí xe đưa đón, tư vấn các trường hợp nghi ngờ phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch.

Như vậy, từ ngày 22 - 27/05/2009, tại 17 cửa khẩu đường không, đường bộ, đường thủy (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tây Ninh, Quảng Trị, An Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Kon Tum, Kiên Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Hà Giang, Quảng Ngãi, Điện Biên) đã giám sát 86.499 hành khách nhập cảnh trong đó có 1.669 hành khách từ Mỹ, 7 hành khách từ Mexico, 28.666 hành khách từ các vùng có nguy cơ khác; có 35 trường hợp nghi ngờ.

Trước đó, ngày 25/5/2009, Bộ Y tế nhận được thông báo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Đài Loan - Trung Quốc, Sở Y tế TPHCM về trường hợp hành khách Lê Thanh Tâm Tuyền đi cùng chuyến bay từ Mỹ quá cảnh Đài Loan về Việt Nam cùng với bệnh nhân cúm A/H1N1, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện giám sát, quản lý hành khách này tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, hiện chưa có biểu hiện bệnh.

Tích lũy từ ngày 25/4/2009 đến nay đã có 435.611 hành khách nhập cảnh từ Mỹ, Mexico và một số quốc gia nguy cơ khác, phát hiện 98 trường hợp nghi ngờ cúm A/H1N1, đã tổ chức cách ly. Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1 tại Việt Nam.

Hồng Hải