Mỗi năm Việt Nam có 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch

Tú Anh

(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Bên cạnh đó, gánh nặng bệnh tật và chi phí cũng tăng đáng kể.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, "đại dịch" các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, trong đó có bệnh lý tim mạch.

Trên thế giới, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, mỗi năm cướp đi 19,5 triệu sinh mạng, chiếm khoảng 1/3 tổng số tử vong do mọi nguyên nhân.

Mỗi năm Việt Nam có 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch - 1

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam đánh giá một ca bệnh trước can thiệp (Ảnh: Minh Minh).

Đặc biệt, tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch gia tăng nhanh chóng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (chiếm 75% tổng số tử vong), trong đó có các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ tăng huyết áp cao, cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp.

Trong khi đó, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Theo PGS Hùng, những năm qua, ngành tim mạch Việt Nam đã có nhiều bước tiến, đã triển khai ứng dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến có thể sánh ngang các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngành tim mạch Việt Nam gia nhập cộng đồng tim mạch ASEAN từ năm 2004, từ đó đến nay luôn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của khu vực.

Theo PGS Hùng, hầu hết các bệnh lý tim mạch đã có thể được chẩn đoán và điều trị trong nước một cách kịp thời, hiệu quả. Người bệnh được tiếp cận nhiều phương pháp điều trị tiên tiến, không phải ra nước ngoài.

Các bác sĩ Việt Nam luôn chủ động học tập không ngừng, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của các nước phát triển và trong khu vực, thế giới.

Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC 2023) lần thứ 27 diễn ra vào tháng 11 tại Hà Nội với chủ đề: "Giao thoa tim mạch: Thách thức và Cơ hội", có sự tham gia của 2.000 đại biểu trong và ngoài nước.

Đặc biệt, có sự tham gia của 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu với vai trò diễn giả khách mời đến từ nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như khu vực ASEAN.

Ngoài những chủ đề khoa học thường quy như: Can thiệp tim mạch, siêu âm tim, điều trị rối loạn nhịp tim..., sự kiện sẽ có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như phiên đào tạo của SCAI (Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ), các phiên cập nhật khuyến cáo từ ESC Congress (Hội Tim mạch Châu Âu)…

Sự kiện là cơ hội tuyệt vời cho các thầy thuốc Việt Nam và trong khu vực có thể trao đổi, cập nhật và bổ sung các kiến thức, kỹ năng chuyên môn về tim mạch, nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm