Mỡ nội tạng so với mỡ dưới da: Cái nào nguy hiểm hơn?

(Dân trí) - Cho dù bạn thon gọn đến đâu thì việc có một ít mỡ trên cơ thể là bình thường và khỏe mạnh. Mỡ được tích trữ trên khắp cơ thể con người, nhưng không phải tất cả các loại mỡ đều được tạo ra như nhau.

Sức khỏe có thể bị ảnh hưởng theo những cách khác nhau tùy thuộc vào nơi lưu giữ những khối mỡ đó. Ví dụ, mỡ dưới da thường được tích trữ ngay dưới da, như ở phần gồ lên ở dưới cánh tay. Có thể dùng ngón tay véo nó lên. Mặt khác, mỡ nội tạng nằm sâu trong thành bụng và bao quanh các cơ quan.

Dưới đây là những gì bạn nên biết về sự khác biệt giữa mỡ nội tạng và mỡ dưới da.

Mỡ nội tạng so với mỡ dưới da: Cái nào nguy hiểm hơn? - 1

Mỡ nội tạng so với mỡ dưới da

Thuật ngữ nội tạng được dùng cho các cơ quan trong ổ bụng. Loại mỡ này bao quanh dạ dày, gan và ruột. Ai cũng có một lượng mỡ nội tạng nhất định, vì nó đệm giữa các cơ quan và bao quanh các mạch máu quan trọng cung cấp máu cho các cơ quan vùng bụng. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy bạn có quá nhiều mỡ nội tạng.

Dấu hiệu bên ngoài rõ ràng nhất là bụng to. Những người có dáng quả táo nói chung có nhiều mỡ nội tạng hơn những người có dáng quả lê.

Mặt khác, thuật ngữ "dưới da" có nghĩa là nằm ngay dưới da. Cũng như mỡ nội tạng, mỡ dưới da luôn có với một mức nhất định ở mỗi người vì nó là một phần của lớp mô liên kết và giúp bảo vệ các cấu trúc sâu hơn. Mỡ dưới da có thể véo lên được và có mặt ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở phần dưới cơ thể. Điều này có nghĩa là nó ít có hại hơn so với mỡ ở sâu hơn trong bụng. Tuy nhiên, cũng đáng lo ngại khi mỡ dưới da có số lượng quá nhiều.

Hình dáng và kích thước cơ thể được quyết định bởi di truyền, lối sống, giới tính và tuổi tác. Trong khi chế độ ăn uống và tập thể dục làm thay đổi kích thước cơ thể, thì hình dáng - nơi tích tụ mỡ - phần lớn do di truyền quyết định.

Có nhiều cách để đo lượng mỡ trong cơ thể và đánh giá nguy cơ sức khỏe liên quan đến cân nặng. Hai phương pháp phổ biến là tính tỷ số eo-hông và chỉ số khối cơ thể (BMI), đo lượng mỡ cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. Đo vòng eo là một cách tốt để đánh giá lượng mỡ nội tạng, trong khi các phương pháp khác bị hạn chế vì không phân biệt được các loại mỡ. Một phân tích tổng hợp năm 2010 cho thấy mối liên quan rõ ràng giữa BMI và tỷ lệ tử vong, với cả BMI thiếu cân và thừa cân đều làm tăng tỷ lệ tử vong.

Sự nguy hiểm của mỡ nội tạng so với mỡ dưới da

Có một số nguy cơ liên quan đến mỡ nội tạng. Một số nghiên cứu gợi ý rằng mỡ nằm sâu trong bụng đóng vai trò trong kháng insulin và viêm, dẫn đến bệnh tim, đái tháo đường và ung thư. Nghiên cứu cũng cho thấy mỡ nội tạng là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về tỷ lệ tử vong ở nam giới.

Những nguy cơ mà mỡ nội tạng gây ra bao gồm:

Đái tháo đường: Mỡ nội tạng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, có thể gây ra các vấn đề lâu dài ảnh hưởng đến mắt, thận, tim, não, bàn chân và dây thần kinh.

Tăng huyết áp: Mỡ nội tạng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, hoặc huyết áp cao, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Bệnh tim: Những người có lượng mỡ nội tạng cao có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, bao gồm các bệnh về mạch máu, bệnh mạch vành và các vấn đề với van tim.

Ung thư: Béo phì, đặc biệt là thừa mỡ nội tạng, có liên quan đến nhiều loại ung thư bao gồm đại tràng, tuyến tụy, vú và thận.

Sa sút trí tuệ: Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan giữa cân nặng thừa và sa sút trí tuệ. Một nghiên cứu đã báo cáo những bệnh nhân có số đo vòng bụng lớn nhất có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn gấp 3 lần so với những bệnh nhân có số đo nhỏ nhất.

Ngoài chế độ ăn uống đơn điệu và lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ phát triển các khối mỡ nội tạng nguy hiểm, thì hút thuốc lá là một yếu tố lớn, đặc biệt ở nam giới.

Mặc dù vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về vai trò của mỡ dưới da, nhưng có bằng chứng cho thấy nó có thể có một số lợi ích. Một nghiên cứu nhỏ năm 2014 ở người Nam Á và Châu Âu đã liên hệ mỡ đùi dưới da với nguy cơ mắc đái tháo đường thấp hơn. Mỡ dưới da cũng liên quan đến sức khỏe tim mạch tốt hơn. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu thấy rằng nhiều mỡ dưới da hơn có liên quan đến các động mạch khỏe mạnh hơn, trong khi mỡ nội tạng có tác dụng ngược lại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá nhiều mỡ dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể không tốt cho sức khỏe.

Làm thế nào để giảm mỡ nội tạng so với mỡ dưới da

Cho đến nay, không có phương pháp thần kỳ nào để tiêu mỡ nội tạng hơn mỡ dưới da. Cả cắt bỏ mỡ và hút mỡ đều không có tác dụng lâu dài.

Cách tốt nhất để giảm cân là tập thể dục và ăn những thực phẩm lành mạnh như protein nạc, trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Bộ Y tế Mỹ khuyên người lớn nên thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động aerobic cường độ trung bình mỗi tuần, 75 phút hoạt động nặng mỗi tuần hoặc kết hợp cả hai.

Không có bí quyết kỳ diệu nào để giảm cân. Cách tốt nhất để giảm mỡ thành công là thay đổi tư duy và tuân theo một lối sống bền vững. Duy trì sự thiếu hụt calo trong khi ăn các thực phẩm bổ dưỡng và tập thể dục là cách tốt nhất để giảm cân. Một chế độ ăn kiêng phù hợp là chế độ ăn mà bạn có thể thực hiện được trong 5-10 năm.

Kết luận

Nơi mỡ tích tụ và cùng với đó là hình dạng cơ thể phần lớn được quyết định bởi di truyền, nhưng chế độ ăn uống và tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe thể chất. Dáng quả táo hoặc bụng phệ là biểu hiện của tình trạng thừa mỡ nội tạng.

Mỡ nội tạng có liên quan đến một số nguy cơ sức khỏe, trong khi mỡ dưới da có thể mang lại một số lợi ích. Nhưng quá nhiều mỡ dù loại nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe.

Điều quan trọng nhất cần nhớ là mỡ nội tạng có xu hướng gây hại cho sức khỏe, và mỡ dưới da, đặc biệt là ở chân, mông và đùi có xu hướng bảo vệ. Không phải tất cả các loại mỡ đều xấu về mặt sức khỏe.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm