1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mô hình chăm sóc đa ngành cho bệnh nhân chạy thận đầu tiên ở Việt Nam

Hoàng Lê

(Dân trí) - Với mô hình chăm sóc đa ngành trong điều trị bệnh thận đầu tiên ở Việt Nam, các bác sĩ tại TPHCM sẽ hỗ trợ người chạy thận nhân tạo cả về thể chất, tâm lý, tâm linh, xã hội...

Tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác song phương về dự án xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân thận mạn lọc máu, vừa diễn ra ở TPHCM, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, đơn vị luôn dành sự quan tâm với các nhóm bệnh nhân đặc biệt.

Trong đó có nhóm đối tượng chạy thận nhân tạo định kỳ.

Mô hình chăm sóc đa ngành cho bệnh nhân chạy thận đầu tiên ở Việt Nam - 1

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh nhân chạy thận và người nhà đối diện hàng loạt khó khăn 

Khi chạy thận, bệnh nhân phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Thứ nhất, luôn trong tình trạng không khỏe mạnh về thể chất, chịu đựng các triệu chứng của bệnh như khó thở, tê, ngứa, đau mạn tính…

Thứ hai, chịu gánh nặng về chi phí cho điều trị chạy thận nhân tạo. Thứ ba, khó khăn trong tìm kiếm việc làm, do thời gian cần phải dành cho chạy thận nhân tạo cũng như do hạn chế khả năng gắng sức.

Thứ tư, có nguy cơ gặp nhiều vấn đề tâm lý hơn, do giảm khả năng hòa nhập cộng đồng, giảm khả năng tự chăm sóc và hạn chế du lịch giải trí vì phụ thuộc vào chạy thận.

Bên cạnh đó, nhóm thân nhân bệnh nhân đang chạy thận cũng có nhiều vấn đề đối mặt. Cụ thể, họ phải chia sẻ gánh nặng về chi phí với bệnh nhân, nhất là những trường hợp mất khả năng lao động. Người chăm sóc cũng mất thời gian lao động nếu bệnh nhân không thể tự chăm sóc hay bệnh nặng nhập viện.

Mô hình chăm sóc đa ngành cho bệnh nhân chạy thận đầu tiên ở Việt Nam - 2

Có nhiều khó khăn với bệnh nhân chạy thận nhân tạo (Ảnh: Hoàng Lê).

Kế đến, họ có thể gặp khó khăn cả về kiến thức chăm sóc bệnh nhân cũng như sắp xếp cuộc sống, nhà cửa cho phù hợp với sinh hoạt của người bệnh. Các vấn đề tâm lý cũng dễ gặp do giảm thời gian cho bản thân, chịu sự lo âu, đau buồn hay mất mát.

Do vấn đề về khả năng chi trả, cũng như các vấn đề tâm lý khiến bệnh nhân từ chối đón nhận điều trị, nhân viên y tế cũng phải đối diện nhiều thách thức.

Mô hình chăm sóc đa ngành cho bệnh nhân thận đầu tiên ở Việt Nam

Nhằm cung cấp chương trình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân chạy thận (bao gồm cả về thể chất, tâm lý, tâm linh, xã hội) và giúp những hoàn cảnh khó khăn nhận sự chăm sóc y tế đầy đủ, Bệnh viện Lê Văn Thịnh hợp tác cùng Quỹ từ thiện quốc tế của người Việt (ASIF Foundation) thực hiện dự án nêu trên.

Mô hình chăm sóc đa ngành cho bệnh nhân chạy thận đầu tiên ở Việt Nam - 3

Buổi ký kết dự án xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân thận mạn lọc máu vừa diễn ra tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: NT).

Dự án này được tiến hành tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh và đơn vị Thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (TPHCM).

Trong giai đoạn khởi động, Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ phối hợp cùng Bộ môn Y Đức - Xã hội học - Chăm sóc giảm nhẹ, Đại học Y Dược TPHCM tổ chức khóa đào tạo nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết dành cho nhân viên y tế trong quá trình thực hiện các hoạt động chăm sóc liên ngành.

Khóa học diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 31/8, với hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến. Đây cũng là khóa học đầu tiên và duy nhất về vấn đề chăm sóc liên ngành trong bệnh mạn tính tại TPHCM cho đến hiện nay.

Mô hình chăm sóc đa ngành cho bệnh nhân chạy thận đầu tiên ở Việt Nam - 4

Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh hỗ trợ người dân chạy thận tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Nguyễn Minh Trang, khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trong chương trình chăm sóc toàn diện cho các ca chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ được điều trị bệnh lý, giảm triệu chứng, phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ dinh dưỡng và kinh tế, hòa nhập cộng đồng.

Chương trình khi được triển khai còn nhằm mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ, giúp người bệnh thận ở huyện Cần Giờ và xã đảo Thạnh An có thể dễ dàng tiếp cận với chăm sóc y tế.

Dự án cũng hướng đến tổ chức thực hiện mô hình chăm sóc đa ngành cho bệnh nhân thận đầu tiên ở Việt Nam.