Miền Bắc mưa rét: Đề phòng bệnh gây liệt mặt, méo miệng

Minh Nhật

(Dân trí) - Bệnh này mùa nào cũng có thể mắc, nhưng mùa lạnh và lúc giao mùa gặp nhiều hơn.

Các tỉnh miền Bắc đang đón đợt không khí lạnh tăng cường. Nhiệt độ thấp nhất tại đồng bằng và trung du phổ biến 17-19 độ C, vùng núi 12-15 độ C, khu vực núi cao có nơi dưới 12 độ C. 

Tại Hà Nội, cảm giác lạnh gia tăng khi độ ẩm tăng cao. Thời tiết duy trì trạng thái âm u, mưa nhỏ kéo dài. 

Một căn bệnh gây liệt mặt, méo miệng, theo chuyên gia cảnh báo, có nguy cơ cao trong kiểu thời tiết này liệt dây thần kinh số 7.

Miền Bắc mưa rét: Đề phòng bệnh gây liệt mặt, méo miệng - 1

Liệt dây thần kinh số 7 có thể gây méo miệng (Ảnh: Getty).

Theo bác sĩ y học cổ truyền Trương Văn Quân, liệt nửa mặt do lạnh hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, trong Đông y gọi là "Khẩu nhãn oa tà". Đây là bệnh lý tổn thương đường dẫn truyền ngoại biên của dây thần kinh số 7.

Có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng, nhưng 75% là do lạnh làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên. Còn lại do các chấn thương, viêm nhiễm khác (như viêm tai, mũi, họng, chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm...) gây nên.

Bệnh này mùa nào cũng có thể mắc, nhưng mùa lạnh và lúc giao mùa gặp nhiều hơn.

"Bệnh thường thấy nguyên nhân do mạch máu nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây thiếu máu cục bộ, phù, chèn ép dây thần kinh.

Các trường hợp liệt tự phát thường tiến triển cấp tính có liên quan đến yếu tố lạnh. Chứng này thường xảy ra đột ngột, như khi ngủ dậy bỗng thấy cười nói khó, soi gương đã thấy mặt méo, đánh răng súc miệng nước trào một bên mép", BS Quân phân tích.

Chuyên gia này chỉ ra những dấu hiệu nhận diện của bệnh:

- Mắt bên liệt của người bệnh nhắm không kín, lông mày sụp xuống.

- Méo miệng, góc mép miệng bị xệ xuống, chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt.

- Người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.

Khi bị liệt nửa mặt, nhiều người bệnh lo lắng quá mức nhưng cũng có người chủ quan, không điều trị.

Trên thực tế, ở một số trường hợp liệt nửa mặt có thể hồi phục và điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương.

Đối với nhóm nguyên nhân do nguyên phát (thường do co mạch máu nuôi), liệt mặt ngoại biên có thể tự hồi phục kể cả khi chưa điều trị.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không thể phục hồi, tự khỏi bởi thời gian co mạch quá lâu, dây thần kinh cần thời gian hồi phục, các cơ mặt bị mất sự chi phối trở nên trơ, nhão và dần chuyển co cứng.

Vì vậy, khi bị liệt nửa mặt cần phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh, loại trừ những nguyên nhân thứ phát nguy hiểm (như u chèn ép), người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị tích cực, có phương pháp phục hồi vận động cơ vùng mặt.

Với liệt mặt ngoại biên, theo BS Quân, hiện nay điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, được ưu tiên hơn cả vì tính hiệu quả và an toàn.

"Người bệnh được điều trị thông qua các phương pháp như: châm cứu, cấy chỉ, thuốc y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại, điện xung…", BS Quân cho hay.

Để phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7, BS Quân khuyến cáo người dân:

- Tập thể dục thường xuyên kèm chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

- Luôn giữ ấm toàn bộ cơ thể, càng chú trọng sau khi uống rượu, mới ốm dậy.

- Không tắm (đặc biệt là tắm nước lạnh), ra đường, uống rượu sau 22h.

- Trong thời gian điều trị bệnh hạn chế uống nước lạnh, ăn hoa quả lạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm