Mexico: Phát hiện những trường hợp đột biến ở vi rút cúm A/H1N1
Giám đốc Trung tâm quốc gia về Dịch tễ và Kiểm soát dịch bệnh Mexico, Miguel Angel Lesana, thông báo những trường hợp đột biến vi rút A/H1N1 đã được phát hiện ở Mexico.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính ít nhất đã có 100.000 người Mỹ bị nhiễm cúm A/H1N1. Còn tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận hơn 1.000 trường hợp mới bị nhiễm cúm A/H1N1 tại 34 quốc gia và trên thế giới hiện đã có 7.520 người được xác định nhiễm chủng virus này, trong số đó có 66 ca tử vong.
Trong lúc tình hình có vẻ nghiêm trọng, WHO cho rằng dịch bệnh này chưa trở thành một đại dịch. WHO cho rằng phải có bằng chứng rõ ràng về tình trạng lây lan thường xuyên trong cộng đồng loại vi rút A/H1N1 từ người sang người tại ít nhất là hai khu vực trên thế giới thì WHO mới nâng mức báo động đại dịch lên cấp 6, cấp cao nhất.
Theo Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, ông Keiji Fukuda, điều này chưa xảy ra ở bất cứ khu vực nào ngoài Bắc Mỹ. Ông Fukuda cho biết tất cả các ca lây nhiễm, xảy ra tại các nơi khác trên thế giới, đều bắt nguồn từ những người đã đến Bắc Mỹ trở về.
Ông Fukuda lưu ý rằng một trận đại dịch không liên quan gì đến mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, mà căn cứ vào khu vực địa lý mà bệnh lây lan. Ông cho biết khó có thể dự đoán bệnh dịch sẽ diễn tiến như thế nào và tính tới thời điểm này, dịch bệnh tương đối nhẹ. Vì vậy, ông Fukuda khuyến cáo mọi người không nên quá lo lắng, dù vẫn phải đề cao cảnh giác và theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneve, tại cuộc họp liên chính phủ về công tác chuẩn bị đối phó với dịch cúm A/H1N1 và chia sẻ thông tin, kiến thức về loại vi rút này, Tổng Giám đốc WHO, bà Magaret Chan đã kêu gọi cộng đồng thế giới không được lơ là mất cảnh giác. Bà Chan đặc biệt nhấn mạnh tới những hệ lụy lớn mà thế giới có thể gặp phải từ dịch cúm này.
WHO cũng cho biết cơ quan này đang theo dõi khả năng xuất hiện các ổ dịch mới do mức độ lan truyền dễ dàng của loại vi rút này. WHO cũng nói rõ sẽ nâng mức báo động lên mức 6 (mức cao nhất) nếu loại vi rút này tiếp tục biến đổi và xuất hiện những ổ dịch mới ngoài châu Mỹ.
Trong thế kỷ 20, thế giới từng chứng kiến ba lần dịch cúm hoành hành. Trận dịch nghiêm trọng nhất xảy ra năm 1918 mà người ta cho là có tới khoảng 50 triệu người đã thiệt mạng.