Mẹo ăn uống cho bệnh nhân ung thư tránh suy mòn
(Dân trí) - Để dự phòng tình trạng suy mòn, người bệnh ung thư cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt và hợp lý.
Suy mòn ung thư là hội chứng gây nên do nhiều nguyên nhân, dẫn tới mất khối cơ liên tục mà không thể cải thiện được bằng hỗ trợ dinh dưỡng thông thường. Hậu quả là làm cơ thể suy giảm dần các chức năng.
Một vài mẹo nhỏ với người bệnh ung thư:
- Chán ăn:
Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, người bệnh nên ăn nhiều bữa trong ngày, trình bày thức ăn đẹp mắt, hấp dẫn. Đồng thời, tập thể dục hoặc đi bộ nhẹ trước khi ăn. Ăn món tráng miệng giàu năng lượng như bánh giàu năng lượng, phô mai…
- Khô miệng
Cần chế biến thực phẩm nhỏ mềm hoặc dạng lỏng như súp. Người bệnh có thể ngậm hoặc nhai kẹo cao su để kích thích tiết nước bọt. Lưu ý giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng trước và sau bữa ăn.
- Nôn, buồn nôn:
Bệnh nhân tránh thực phẩm vị mạnh, tanh, nóng, cay; uống đủ nước; ăn thực phẩm dễ tiêu hóa. Có thể ngậm kẹo, chanh, bạc hà nếu trong họng, miệng có mùi khó chịu. Đồng thời cần chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tạiViệt Nam khoảng 80% bệnh nhân ung thư bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Rất ít bệnh nhân quan tâm đến việc ăn uống thế nào cho hợp lý. Nhiều bệnh nhân thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Trong khi đó, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Mục đích nhằm hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.
Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh.
Ngoài ra, một số phương pháp điều trị khác lại có thể gây mất mô nạc, chẳng hạn như cơ bắp, làm giảm quá trình trao đổi chất. Do đó, với từng trường hợp cụ thể, các nhân viên y tế sẽ đưa ra những lời khuyên dinh dưỡng khác nhau.
Một lưu ý trong chế độ ăn của bệnh nhân ung thư:
- Ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng).
- Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào.
- Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.
- Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo.
- Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn.
- Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến.
- Giữ vệ sinh răng, miệng.
- Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...)
- Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.
Hà An