Bệnh nhân ung thư nên ăn gì, kiêng gì?

(Dân trí) - Trong buổi giao lưu Tọa đàm trực tuyến: "Giải pháp nâng cao thể trạng, giảm tác dụng phụ của hóa xạ trị cho bệnh nhân ung thư", PGS. BS. Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia đã giải đáp rất nhiều câu hỏi của bạn đọc về dinh dưỡng dành cho người chữa bệnh ung thư.

5 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta gồm ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư hầu họng. Ở nữ giới, hàng đầu vẫn là ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư gan.

Bệnh nhân ung thư nên ăn gì, kiêng gì? - 1

Buổi tọa đàm diễn vào 09h00-11h00 thứ Ba 26/11/2019. 

Ngoài việc điều trị, chế độ dinh dưỡng dành cho người ung thư cũng cần đặc biệt được coi trọng. Trong chương trình Tọa đàm trực tuyến: "Giải pháp nâng cao thể trạng, giảm tác dụng phụ của hóa xạ trị cho bệnh nhân ung thư", PGS. BS. Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia đã giải đáp rất nhiều câu hỏi của bạn đọc về dinh dưỡng dành cho người chữa bệnh ung thư.

Toàn bộ thông tin cuộc giao lưu có thể theo dõi tại đây.

Chuyên mục Ung thư xin tổng hợp lại các câu hỏi và trả lời của PGS. BS. Lê Bạch Mai để bạn đọc tiện theo dõi.

Bệnh nhân ung thư nên ăn gì, kiêng gì? - 2

PGS. BS. Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia

- Khi bị ung thư nếu ăn uống đầy đủ liệu có làm cho khối u càng phát triển nhanh hơn không? Hiện có những loại thức ăn riêng biệt nào an toàn dành riêng các bệnh nhân ung thư đang điều trị không?

- Quan điểm khi bị ung thư nếu ăn uống đầy đủ làm cho khối u càng phát triển nhanh là hoàn toàn sai lầm. Vì khi mắc bệnh ung thư, quá trình điều trị xạ trị, hóa chất sẽ khiến thể trạng người bệnh suy kiệt rất nhanh nếu không có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh sẽ không có đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị được, dẫn đến thời gian sống sẽ bị rút ngắn, tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và tử vong.

Về chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư thì nên ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng từ tinh bột, protein, chất xơ và vitamin. Nguồn bổ sung protein người bệnh hạn chế nguồn từ thịt đỏ tuy nhiên không nên khắt khe quá, chỉ cần giảm so với thông thường, nên bổ sung nhiều từ cá, trứng, thịt gia cầm. Người bệnh nên kiêng hoặc hạn chế ở mức tối đa đồ ăn chế biến dưới dạng chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thức ăn cay nóng. Chất kích thích như rượu, bia, café hay thuốc lá nên tránh tuyệt đối.

-Bệnh nhân ung thư sau đợt điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) một thời gian nay đã ổn định (ăn uống ngon trở lại, hết bị nôn và khó chịu), vậy có còn bị yếu tố sụt cân trong ung thư ảnh hưởng nữa không? Cần tiếp tục chú ý gì trong chế độ ăn uống?

 - Bệnh nhân đã ổn định sau điều trị và không còn bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của hóa, xạ trị sẽ không gặp triệu chứng sụt cân nữa nếu bệnh không tái phát. 

Người bệnh vẫn cần tuân thủ lịch khám định kì của bác sĩ và có chế độ dinh dưỡng đa dạng, phù hợp. Người bệnh nên ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng các nhóm chất đạm, đường, béo, chất khoáng và vitamin. Cần chú ý giảm lượng thịt đỏ trong khẩu phần, nên bổ sung đạm từ cá, trứng, thịt gia cầm. Bên cạnh đó nên kiêng hoặc hạn chế ở mức tối đa đồ ăn chế biến dưới dạng chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thức ăn cay nóng. Chất kích thích như rượu, bia, café hay thuốc lá thì nên tránh tuyệt đối.

- Bệnh nhân ung thư có nên uống các loại multivitamin không? Vitamin nào thừa thì bất lợi cho bệnh nhân ung thư?

- Việc bổ sung multivitamin đối với những bệnh nhân ung thư ăn uống kém hay bị suy dinh dưỡng nặng đôi khi là cần thiết. Có 2 nhóm vitamin: vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B như B1, B6, B9, B12,... Vitamin C) và vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Nhóm vitamin tan trong nước khi thừa sẽ được thải trừ ra ngoài qua nước tiểu còn nhóm vitamin tan trong dầu khi thừa sẽ tích tụ trong mô nên dễ gây ngộ độc. Vì vậy liều lượng của các vitamin có trong chế độ ăn và thuốc hay thực phẩm bổ sung không nên vượt quá nhu cầu khuyến nghị hàng ngày và cần có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

 - Tôi biết có bệnh nhân ung thư chỉ bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn sau đó về nhà họ chỉ ăn gạo lứt, muối vừng để không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần, bác sĩ cho biết điều này có đúng không?

- Quan điểm bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn sau đó về nhà chỉ ăn gạo lứt, muối vừng để không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần là hoàn toàn sai lầm. 

Sau điều trị thể trạng của người bệnh đã suy yếu nhiều nếu chỉ ăn gạo lứt, muối vừng cơ thể sẽ không thể cung cấp đầy đủ năng lượng để phục hồi những tổn thương, những tác dụng phụ của hóa, xạ trị còn ảnh hưởng sau điều trị, làm sức khỏe càng suy yếu làm cho các tế bào dễ bị đột biến gây tái phát ung thư. Người bệnh vẫn cần ăn uống đầy đủ đảm bảo dinh dưỡng kể cả trước, trong, hay sau quá trình điều trị.

 -Tôi bị ung thư dạ dày, đã cắt 2/3 dạ dày, xin bác sỹ vui lòng cho thực đơn nên tránh?

-  Với người bệnh ung thư dạ dày đã cắt 2/3 dạ dày thì cần tránh những thực phẩm sau đây:

  • Đồ uống có cồn như bia, rượu… và các chất kích thích.
  • Các loại thực phẩm lên men như dưa chua, hành muối, kể cả hoa quả chua.
  • Các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu.
  • Các loại đồ ăn cứng, món ăn nhiều dầu mỡ như chiên xào, đồ ăn nhanh.
  • Không nên sử dụng sữa chưa tách béo.
  • Không nên ăn các món chưa được chế biến chín.

- Tôi mắc ung thư vú, đang điều trị tại viện. Bác sĩ cho hỏi tôi có uống được sữa đậu nành không?

 - Nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của isoflavones trong đậu nành có thể giúp phòng ngừa ung thư vú ở phụ nữ. Với người bệnh đang điều trị căn bệnh này việc sử dụng sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành không làm nặng thêm tình trạng ung thư vú mà ngược lại, estrogen trong đậu nành có tác dụng tốt cho bệnh nhân ung thư vú. Vì vậy, trường hợp của bạn hoàn toàn sử dụng được sữa đậu nành.

- Bác sĩ cho tôi hỏi hiện nay thường có những quan niệm sai lầm nào trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư?

- Có nhiều bệnh nhân tuyên truyền quan niệm: “bỏ đói khối u thì ung thư cũng đói mà tiêu biến” nên họ đã thực hiện chế độ ăn thực dưỡng, tức là chỉ ăn gạo lứt, muối mè, nhưng sau vài tháng bệnh nhân bị suy kiệt, khối u di căn và bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy kiệt nặng, suy hô hấp phải thở máy. 

Tôi muốn nhấn mạnh rằng: dinh dưỡng cung cấp năng lượng nuôi cơ thể chúng ta, là một phần không thể thiếu được dù là cơ thể khỏe mạnh hay ốm yếu và nhất là với trường hợp bệnh nặng thì dinh dưỡng càng cần thiết hơn. Người bệnh chỉ nên tránh các món chiên xào, muối chua, đồ ăn nhanh và không nên sử dụng đồ uống có cồn, các chất kích thích.

- Thưa bác sĩ, mẹ của cháu được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư dạ dày và đã được phẫu thuật cắt bỏ dạ dày toàn phần. Hiện tại đang chờ hoá trị, vậy xin bác sĩ tư vấn giúp cháu về chế độ dinh dưỡng cho mẹ cháu trong giai đoạn hoá trị nên ăn và không nên dùng những thực phẩm nào để đảm bảo cho thể trạng được tốt ạ? Và trong suốt thời gian điều trị bằng hoá chất thì sinh hoạt như thế nào ạ? Cháu xin cảm ơn bác sĩ!

-  Nguyên tắc ăn uống cho người bệnh đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày kể cả trong giai đoạn hóa/xạ trị là:

  • Nên chia nhỏ bữa ăn ra thành 6 - 8 bữa/ngày là hợp lý, thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường. Cùng với đó, người bệnh cần chú ý nên ăn chậm, nhai kỹ để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn. 
  • Nên ăn thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, phomai,… không chỉ giúp cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết giúp cho sức khỏe người bệnh mau chóng phục hồi mà còn giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh tiêu chảy
  • Người bệnh có thể sử dụng các loại ngũ cốc.
  • Sử dụng trái cây và rau xanh, nhưng lưu ý với các loại rau xanh thì nên ăn chín, trái cây nên gọt vỏ và bỏ hạt trước khi ăn. Trong số các loại trái cây hoa quả, chuối và dưa hấu được cho là 2 loại quả tốt nhất cho người bệnh trong trường hợp này. Chính vì thế, người bệnh cần lưu ý để bổ sung sao cho có hiệu quả nhất.
  • Chọn loại sữa gầy (sữa đã tách béo hoàn toàn) cho chế độ ăn uống hàng ngày.
  • Ngoài các loại thực phẩm nêu trên, người bệnh có thể cần uống bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin B1, B12 và viên sắt để bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do phẫu thuật. 
  • Các bạn cần lưu ý hạn chế ăn các loại thực phẩm lên men như dưa chua, hành muối hay các loại gia vị cay nóng, hoa quả chua, các loại chất kích thích và các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ không tốt cho việc phục hồi căn bệnh.

Trong suốt quá trình điều trị mẹ bạn vẫn sinh hoạt bình thường được, ăn uống bồi bổ, vận động thể dục nhẹ nhàng và giữ tinh thần lạc quan, vui tươi.

 - Tôi bị ung thư vú, mọi người khuyên không ăn thịt, không uống sữa vì nghĩ sẽ nuôi tế bào ung thư. Xin hỏi tôi có nên kiêng luôn những thực phẩm này không?

 Nhiều người có lối suy nghĩ là bỏ đói tế bào ung thư bằng các chế độ ăn thực dưỡng, ngồi thiền, truyền năng lượng,… thì sẽ giúp cho bệnh tiến triển tốt, nhưng thực tế lại mang tới kết quả trái ngược. Vì vậy tôi xin nhắc nhở với mọi người rằng quan niệm trên hoàn toàn là quan niệm sai lầm.

Người bệnh ung thư vú nên lưu ý cần bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa. Sử dụng thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tránh các món ăn nhiều dầu mỡ, món lên men, thực phẩm ướp nhiều muối và đồ uống có cồn. Chú ý ăn uống điều độ, không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít. Người bệnh ung thư vú sử dụng sữa đậu nành sẽ rất tốt do đó bạn không cần phải kiêng thịt và sữa theo lời mọi người truyền miệng.

 - Ba tôi bị ung thư vòm họng đang trong quá trình hóa trị. Cứ sau mỗi lần hóa trị ba tôi lại không ăn uống gì được và phải truyền nước biển. Mong bác sĩ hướng dẫn tôi cách chăm sóc trong quá trình này chế độ ăn uống để khỏe hơn. Cảm ơn bác sỹ rất nhiều.

-  Khi xây dựng chế độ ăn cho bố bị ung thư vòm họng và đang điều trị, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm sau:

  • Rau củ quả non: chế biến (xay, nghiền) thành dạng lỏng, súp để người bệnh dễ dàng sử dụng, giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi thể trạng.
  • Các thực phẩm giàu protein mà các bạn có thể lựa chọn đó là cá, thịt, trứng, sữa…, hàm lượng protein có trong những loại thực phẩm này sẽ giúp cho cơ thể được bổ sung đầy đủ chất, giúp cải thiện thể trạng, phục hồi sức khỏe sau các đợt điều trị, mang đến cho bệnh nhân một sức khỏe tốt nhất để tiếp chống chọi với bệnh tật, cũng nấu nhừ hoặc xay để dễ nuốt, dễ hấp thu hơn.
  • Nước ép hoa quả: có chứa các loại vitamin, chất khoáng… cần thiết dễ uống rất phù hợp cho các bệnh nhân bị tổn thương vùng họng, không thể ăn các loại thực phẩm cứng.
  • Bột ngũ cốc: dễ sử dụng, dễ nuốt và tiêu hóa, phù hợp với người bệnh K vòm họng.

- Rất ít bệnh nhân ung thư biết nên ăn uống thế nào cho hợp lý. Bác sĩ có thể giúp người bệnh xây dựng chế độ ăn cơ bản để đảm bảo sức khỏe?

- Có nhiều loại ung thư khác nhau, vì vậy để có thể xây dựng được chế độ ăn cơ bản cho người bệnh ung thư nói chung như câu hỏi của bạn, thì tôi có thể tư vấn như sau:

  • Duy trì cân nặng lý tưởng: Đối với nhiều người bệnh, nên tránh giảm cân bằng cách dung nạp đủ lượng calo mỗi ngày. Đối với những người bệnh thừa cân – béo phì, cần giảm cân.
  • Sử dụng chất dinh dưỡng thiết yếu: gồm protein, carbohydrate, lipid, vitamin, khoáng chất và nước.
  • Tập luyện tích cực khi có thể: như đi bộ hằng ngày; bởi vì hạn chế vận động (ngồi hoặc ngủ quá nhiều) có thể gây giảm khối lượng cơ và tăng lượng mỡ cơ thể, ngay cả khi không có ý định giảm cân.
  • Một mô hình ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều rau và trái cây, một lượng vừa phải ngũ cốc và các nguồn protein thực vật như các loại hạt, đậu nành, cùng các loại thịt như cá, thịt gia cầm, thịt nạc hoặc sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Người bệnh cần được bổ sung đầy đủ các loại dưỡng chất cần thiết: chất đạm, tinh bột, vitamin… trong bữa ăn hàng ngày, có thể chia nhỏ thành nhiều bữa cho người bệnh.
  • Không kiêng khem quá nhiều, vẫn ăn uống bình thường, 1 số loại thực phẩm như xúc xích, đồ nướng, chiên xào nhiều dầu mỡ, chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… thì cần hạn chế.
  • Tập luyện, vận động nhẹ nhàng sau khi cơ thể đã ổn định hơn.
  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan

- Xin PGS chia sẻ cho độc giả đang theo dõi chương trình về chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp bệnh nhân ung thư nâng cao thể trạng, giảm tác dụng phụ hóa trị xạ trị được không ạ?

- Người bệnh ung thư điều trị hóa xạ trị, trước trong và sau thời gian điều trị đều cần được cung cấp đầy đủ năng lượng. Nhu cầu năng lượng khuyến nghị đối với người bệnh có thể trạng bình thường là 25-30 kcal/kg/ngày theo khuyến cáo của ESPEN và 30-35 Kcal/kg/ngày theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, đối với người bệnh ung thư thừa cân, béo phì nhu cầu năng lượng khuyến nghị cần tính theo cân nặng lý tưởng, người bệnh suy kiệt nặng thì nên tính nhu cầu năng lượng theo cân nặng thường có, sau đó nên tăng từ từ cho đến khi đạt được nhu cầu khuyến nghị theo cân nặng lý tưởng.

- Nếu gặp phải tình trạng buồn nôn sau hóa xạ trị thì cần chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa chứ không phải 3 bữa một ngày. Nếu tình trạng dạ dày không tốt, thử chế độ ăn lỏng như cháo loãng hoặc nước hoa quả hoặc thực phẩm dễ tiêu hóa như bánh mì.

- Nếu bị tiêu chảy sau hóa xạ trị: bổ sung các thực phẩm giàu natri và kali như: chuối, cam, đào, nước ép mơ, khoai tây luộc, tránh các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ…

- Uống nhiều nước, uống từ từ từng ngụm nhỏ giúp hạn chế tình trạng khô miệng sau hóa xạ trị.

- Kết hợp ăn uống đầy đủ với đi lại vận động nhẹ nhàng để quá trình tiêu hóa và trao đổi chất diễn ra tốt hơn.

Toàn bộ thông tin cuộc giao lưu có thể theo dõi tại đây.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm