1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mất ngủ triền miên vì đi… nước ngoài

Việc đi nước ngoài du học, lao động sau đó trở về Việt Nam bị lệch múi giờ khiến nhiều người mất ngủ triền miên.

 
Mất ngủ triền miên vì đi… nước ngoài
GS.TS Nguyễn Văn Chương, Chủ nhiệm bộ môn Nội Thần kinh, Bệnh viện 103 là người chứng kiến nhiều người mất ngủ với những lí do khác nhau


 

Thuê nhà nghỉ để chữa... mất ngủ

 

Tại khoa Nội Thần kinh, bệnh viện 103, tôi gặp bạn Nguyễn Phúc Minh, 23 tuổi (Hà Nội). Minh vừa đi du học từ Mỹ về. Mấy năm học bên đó, Minh chưa một lần có biểu hiện mất ngủ, người to béo, nhưng chỉ về quê hương 2 tháng, Minh đã gầy sút 5kg.

 

Đêm đến, khi mọi người chìm vào giấc ngủ thì cậu thường thức trắng, bởi ý thức cậu luôn nhắc rằng giờ này ở bên Mỹ là ban ngày, ban ngày thì phải làm, phải học. Ngày đến, bạn bè của Minh, bạn bè của bố mẹ, rồi hàng xóm láng giềng đến chơi, khiến cậu không thể ngủ.

 

Đã 2 lần cậu thuê nhà nghỉ cho yên tĩnh hòng mong chữa mất ngủ, nhưng vẫn không ngủ được. Sự chênh lệch múi giờ 12 tiếng giữa Việt Nam và Mỹ đã khiến Minh như một kẻ nghiện ma tuý, suốt ngày ngáp, chẳng muốn làm việc…

 

Bạn Nguyễn Mai Liên, Hải Dương thì tới khám bệnh vì chứng “ngày ngủ đêm thức”. Liên đi xuất khẩu lao động Canada hơn 3 năm rồi về nước. Từ ngày về nhà tới nay, cả gia đình đều mất ngủ theo.

 

Nguyên nhân vì đến đêm mắt Liên cứ mở thao láo và khi đã tỉnh thì không nằm yên được, lại dậy đi lại, hoặc làm việc gì đó cho thời gian nhanh hết. Chồng cô cũng bực bội, và cho rằng vợ mình thương nhớ ai bên đó. Còn ngày, khi con cái đi học cả, chồng đi làm cô lại ngủ ngon lành, khiến chẳng làm được việc gì, mặc dù đã về nước hơn 3 tháng. Chuyện không cần biết đúng sai, nguyên nhân từ đâu, cha mẹ chồng và chồng đều trách móc và nghi ngờ Liên…

 

Đồng hồ sinh học không theo kịp

 

GS.TS Nguyễn Văn Chương, Chủ nhiệm bộ môn Nội Thần kinh, Bệnh viện 103 cho biết: 2 bệnh nhân trên của tôi là trường hợp mất ngủ do lệch múi giờ. Hiện nay, ngày càng có nhiều người đi du học, đi nước ngoài về không quen giờ giấc thói sinh hoạt nên đã mất ngủ. Thời gian đầu họ chỉ nghĩ mất ngủ đơn thuần do lạ chỗ, vui quá, do lệch múi giờ. Nhưng lâu dần, nếu không được phát hiện và có biện pháp cải thiện sẽ dẫn đến mất ngủ kéo dài.

 

Hệ thần kinh của chúng ta có một hệ thần kinh thực vật. Trong đó có nhịp thích ngủ, giúp chúng ta làm việc ban ngày và ngủ ban đêm. Tuy nhiên, một số người bị tai biến mạch máu não lại ngủ ngày, đêm thì “lục đục”.

 

Nhịp thích ngủ ảnh hưởng nhiều yếu tố, trong đó là sự thay đổi múi giờ. Nếu người đó không có hệ thần kinh thực vật khỏe mạnh, phải di chuyển nhiều, không nhanh chóng đuổi kịp đồng hồ sinh học của mình như: giờ này ở bên Mỹ là ngày, thì mình là đêm và phải đi ngủ, và ngược lại khi mọi người thức, mình cũng phải thức thì lâu dần sẽ mất ngủ.

 

Khi không ngủ được thì tùy vào sở thích của mình có thể như nghe một bản nhạc nhỏ, nhẹ nhàng, êm dịu, uống cốc sữa nóng, đếm từ 1 đến 3 nghìn, và nên thức dậy làm một việc gì đó nhẹ nhàng, nếu nằm 15 phút mà chưa ngủ được. Đặc biệt, tránh ngủ ngày nhiều, tập thể dục thường xuyên… Nếu tất cả những cách này mà bệnh nhân vẫn không cải thiện được thì phải gặp thầy thuốc để có biện pháp sớm nhất.

 

Theo Phạm Hằng

Khoa học & Sức khỏe