Mắc bướu cổ, người đàn ông Hà Nội 3 năm hút dịch 30 lần
(Dân trí) - Người đàn ông 57 tuổi được chẩn đoán mắc bướu cổ, song cứ chọc hút dịch được 2-3 ngày bướu giáp lại to trở lại như cũ và ngày càng có dấu hiệu to lên.
Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, đa phần là lành tính tuy nhiên nó cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Vừa qua, khoa Bệnh lý tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận ca bệnh đặc biệt. Bệnh nhân là ông D.T, 57 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội), được chẩn đoán bướu giáp nhân 3 năm.
Bệnh nhân cho biết đã thực hiện việc chọc hút dịch tuyến giáp gần 30 lần. Tuy nhiên sau hút khoảng 2 đến 3 ngày bướu giáp to lại như cũ và ngày càng có dấu hiệu to lên. Đến khi căng cứng bệnh nhân quay lại cơ sở y tế để thực hiện hút dịch.
Thời gian gần đây, bệnh nhân mệt mỏi, cổ to lên, nuốt vướng, nghẹn, ho khan nên đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bướu cổ độ II, nhân thùy phải cho kích thước 63x32x67mm, mật độ mềm, di động, ấn không đau. Vì thế, để tránh tình trạng bướu giáp to trở lại, bệnh nhân đã được hội chẩn kỹ trước khi làm thủ thuật.
Theo đó, bệnh nhân được chỉ định hút dịch và tiêm cồn ethanol tuyệt đối dưới hướng dẫn siêu âm. Các y bác sĩ đã hút ra 75ml dịch máu trong nang giáp. Vì không phải tiến hành phẫu thuật nên bệnh nhân hoàn toàn tỉnh trong lúc làm thủ thuật, sau thủ thuật không để lại sẹo.
Sau một thời gian điều trị, kết quả siêu âm cho thấy khối nang giáp có kích thước giảm xuống chỉ còn 27x21x40mm, TS.BS Lê Việt Hà, Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp cho biết.
Theo TS Hà, bướu nhân tuyến giáp là tổn thương dạng khối khu trú trong tuyến giáp, đây là một bệnh lý khá phổ biến. Phần lớn nhân tuyến giáp là nhân hỗn hợp gồm cả phần dịch và phần đặc.
Theo thời gian nang tuyến giáp có thể thu nhỏ kích thước. Nếu nó không lớn lên và không gây ra bất ky triệu chứng nào thì có thể không cần điều trị. Tuy nhiên nó có thể gây ra biến chứng là chảy máu trong nang làm cho nang tăng kích thước gây đau tại chỗ, khó nuốt, khó thở hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây lo lắng cho người bệnh thì bệnh nhân nên được điều trị.
Theo đó, tùy vào nhân giáp có phần dịch hay phần đặc ưu thế để lựa chọn phương pháp khác nhau. Trong trường hợp bệnh nhân D.T, nhân giáp của bệnh nhân đa phần là dịch, hay còn gọi là nang giáp.
Hiện tại, phương pháp tiêm cồn tuyệt đối dưới hướng dẫn siêu âm đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và đem lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh với nhiều ưu điểm như dễ thực hiện; hậu phẫu nhẹ nhàng và rất an toàn, không hề ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp; có thể thực hiện nhắc lại thủ thuật, TS Việt Hà cho biết.