1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Mắc bệnh” thành tích, không công bố dịch tay chân miệng?

Dù đã được Viện Pasteur Nha Trang đề nghị công bố dịch tay chân miệng (TCM) và có khoảng 6.000 ca mắc, 5 trường hợp tử vong, song Quảng Ngãi vẫn cho rằng, bệnh còn trong khả năng kiểm soát của ngành y tế địa phương?

“Mắc bệnh” thành tích, không công bố dịch tay chân miệng?  - 1


  

Bên cạnh Quảng Ngãi, nhiều tỉnh thành phía Nam có số ca mắc TCM cao nhất cả nước như: TP. HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp… cũng chưa có động thái gì cho thấy sẽ công bố dịch. Trong khi theo ý kiến của nhiều người, đáng lẽ ra các địa phương này nên công bố dịch từ lâu để cảnh tỉnh người dân, đầu tư nguồn lực dập dịch, tránh cái chết oan cho bao trẻ nhỏ khác nhưng lại không làm.

 

Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, tại sao các địa phương lại lấn cấn việc công bố dịch đến vậy? Có thực sự là bệnh đã được kiểm soát hay các địa phương đang… “mắc bệnh” thành tích, sợ “mang tiếng” là có dịch?. Và nếu không địa phương nào chịu công bố dịch thì Bộ Y tế cũng không thể công bố, chiểu theo đúng Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch: Bộ Y tế chỉ công bố dịch khi có từ 2 địa phương trở lên đã công bố. Và khi đó, Bộ sẽ phải dành hết nguồn lực vào công tác phòng chống dịch bệnh.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến thời điểm này cả nước đã ghi nhận 66.312 trường hợp mắc TCM tại 61 địa phương, trong đó có 119 ca tử vong tại 25 tỉnh thành phố. Từ giữa tháng 9 đến nay số ca mắc luôn dao động từ 2.000 đến 2.500 ca. Các trường hợp mắc và tử vong do TCM tập trung chủ yếu tại miền Nam chiếm tới 68,6% và gần 90% số tử vong; miền Trung 14,9%; miền Bắc 12,8% và Tây Nguyên 3,7%.

 

Trong tuần, cả nước ghi nhận trên 2.000 trường hợp bệnh nhân mắc TCM tại 47 địa phương, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Tây Ninh, Cà Mau và Kiên Giang. Ngày 6/10 vừa qua, tại Hà Nội lại có thêm một bé trai 10 tháng tuổi tử vong chỉ sau khoảng 6 giờ nhập viện với các triệu chứng điển hình của bệnh TCM... cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

 

Ngành y tế cho rằng, báo cáo dịch tại các địa phương với số ca mắc TCM có xu hướng giảm, tuy nhiên hiện vẫn duy trì ở mức trên 2.000 ca mắc/tuần và tuần nào cũng có ca tử vong. Trong khi đó bệnh rất dễ lây lan do vi-rút đường ruột và tiếp xúc trực tiếp; hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu; tỷ lệ người lành mang trùng cao nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài…

 

Chính Bộ Y tế cũng nhận định, dịch bệnh TCM ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, gia tăng số mắc và tử vong nhưng lại chưa tiến hành công bố. Bộ chỉ tiến hành khuyến cáo áp dụng các biện pháp phòng bệnh tại gia đình, cộng đồng. Và trong tình thế nguy hiểm này thì các bậc phụ huynh chỉ còn cách nâng cao ý thức để bảo vệ con em mình tránh khỏi “cơn ác mộng” TCM.

 

Bộ Y tế và địa phương có vô vàn lý do để cho rằng chưa đủ điều kiện công bố dịch nhưng một khi số ca mắc và tử vong vì TCM ngày một tăng đã chứng tỏ ngành y tế không thể kiểm soát được dịch bệnh. Cần bao nhiêu cái chết oan của trẻ nhỏ nữa thì ngành y tế mới chịu “lên tiếng”?.

 

Theo Dương Hải

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm