Nhiều ca mắc cúm nặng, đối phó bệnh như thế nào?
(Dân trí) - Trước việc đã có nhiều ca mắc cúm nặng nhập viện, các bác sĩ cảnh báo, các đối tượng trong nhóm nguy cơ như người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền... sẽ dễ gặp những biến chứng nguy hiểm hơn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, đơn vị hiện điều trị cho 8 ca mắc cúm.
Trong số đó, có ca trở nặng, thở máy chỉ sau 3 ngày mắc cúm, bệnh nhân đối mặt với nguy kịch.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Xuân Huy, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết đang có 18-20 ca cúm nặng nằm viện, với các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết.
Đáng chú ý, có những trường hợp trong nhóm nguy cơ (trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, có bệnh nền) nên sẽ càng dễ gặp những biến chứng nguy hiểm hơn.
Theo Bộ Y tế, thời tiết hiện tại tạo điều kiện lý tưởng cho cúm mùa và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp bùng phát. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản.
Cụ thể, dữ liệu công bố ngày 31/1 của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cho thấy, từ ngày 2/9/2024 đến ngày 26/1 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa.
Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ ngày 23 đến ngày 29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.
Tại Việt Nam, cúm mùa cũng lưu hành rất phổ biến. Năm 2024, cả nước ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm, 8 ca tử vong. Tuy số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108), nhưng số tử vong tăng 5 trường hợp.
Đối phó bệnh như thế nào?
Các chuyên gia cho biết, cúm mùa là bệnh rất thường gặp, dễ lây từ người sang người, bắt đầu từ các triệu chứng thông thường như sốt, ớn lạnh, đau họng, chảy nước mũi, nhức mỏi cơ.
Bệnh có nguy cơ gây biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp… đặc biệt ở người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.
Nếu sốt cao liên tục, ho nhiều, khó thở là những triệu chứng báo động, cần nhập viện ngay. Khi điều trị trễ, bệnh nhân sẽ diễn tiến suy hô hấp, ngưng thở, biến chứng tổn thương các cơ quan khác và nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Võ Xuân Huy khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng về biến chứng xấu khi tiêm ngừa, vì tỷ lệ biến chứng rất thấp. Thứ hai, bệnh nhân sẽ được bác sĩ sàng lọc, tầm soát kỹ lưỡng trước tiêm. Thứ ba, việc tiêm ngừa có lợi ích phòng bệnh rất lớn so với hậu quả xảy ra nếu không tiêm.
Ngoài cúm, bác sĩ Huy cũng khuyến cáo người dân nên chích thêm vaccine ngừa phế cầu, sẽ giúp hạn chế biến chứng bất lợi liên quan đến phổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vaccine cúm có nhiều loại, tùy theo từng loại vaccine mà có thể chỉ định tiêm cho người từ 6 tháng tuổi trở lên hoặc chỉ dùng cho người lớn.
"Vaccine cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm, do vậy tất cả những đối tượng trong chỉ định đều có thể hưởng lợi nhờ chủng ngừa vaccine cúm.
Tuy nhiên những người lớn tuổi, người có các bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, hô hấp, béo phì, người suy giảm miễn dịch hoặc ghép tạng, trẻ nhỏ... là đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn khi không may mắc cúm, nên họ sẽ là nhóm nên ưu tiên thực hiện chủng ngừa hơn", bác sĩ Cấp thông tin.
Bác sĩ Cấp thông tin thêm, người mắc cúm mùa đa số diễn biến nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên vẫn gây ảnh hưởng sức khỏe và mất sức lao động trong thời gian mắc.
Bác sĩ nhấn mạnh, dù đa số diễn biến nhẹ nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ diễn biến nặng, và có thể tử vong kể cả ở người trẻ, khỏe mạnh.
"Việc tiêm vaccine cúm làm giảm nguy cơ mắc cúm gây ảnh hưởng sức khỏe và lao động, giảm nguy cơ diễn biến nặng do cúm. Việc nữ diễn viên tử vong do cúm là xác suất không may với riêng cô ấy, không phải là yếu tố bất thường khiến mọi người phải hoảng loạn.
Mọi người có thể chủ động sắp xếp lịch tiêm ngừa phù hợp", bác sĩ Cấp khuyến cáo.