1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ly kỳ chuyện phát kim tiêm cho người nghiện

Người nghiện chích ma túy được phát bơm kim tiêm sạch là biện pháp giảm lây lan HIV mới đang triển khai ở một số địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp khá nhiều khó khăn bởi người ta còn e sợ "tiếp tay cho giặc".

“Như hoạt động tình báo”

 

Ðể giảm thiểu sự lây truyền HIV giữa các đối tượng nghiện chích ma túy, từ năm 2006, tỉnh Nam Định chính thức thực hiện cấp phát bơm kim tiêm (BKT) sạch cho người nghiện theo dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Đã 7 năm triển khai nhưng công tác này vẫn gặp khá nhiều khó khăn.

 

Tại TP. Nam Định, một trong những điểm nóng về nghiện chích ma túy của toàn tỉnh với số con nghiện khoảng 1.500-2.000 người, phát BKT được những người làm công tác này gọi vui là “hoạt động tình báo” bởi độ “bí mật” của nó.

 

Anh Trần Văn Tuấn áo thẫm (Ảnh La Hoàn)

Anh Trần Văn Tuấn áo thẫm (Ảnh La Hoàn)

 

Anh Trần Văn Tuấn, đồng đẳng viên cấp phát BKT khu vực phường Vị Xuyên, TP Nam Định cho biết, con nghiện sợ lộ thông tin nên rất khó tiếp cận. Từ việc “nhận dạng” đối tượng đến tiếp cận và phát BKT sạch cho họ là cả một quá trình dài.

 

“Tôi đã từng sử dụng ma túy nhiều năm nên nhìn cái là biết ai dùng ai không. Có những người đưa BKT cho họ mà họ vẫn chối đây đẩy là mình không nghiện. Người nhà nhìn thấy thì mắng chửi vì tưởng mình rủ rê con cái họ”, anh Thành chia sẻ.

 

Thời gian đi phát BKT của anh Thành chủ yếu là vào ban đêm. Địa điểm nhận là những con hẻm tối hun hút, vắng người theo lời hẹn của các con nghiện.

 

“Không phải mình phát lúc nào họ cũng lấy, phải đúng chỗ đúng thời điểm. Vì các con nghiện sợ lộ danh tính với công an. Thậm chí có người còn dọa để mình không tiết lộ thông tin với công an”, anh Thành kể thêm.

 

Việc cấp phát BKT hầu hết đều do các đồng đẳng viên (người nghiện chích hoặc người thân người nghiện chích) thực hiện. Với những đồng đẳng viên nữ, không chỉ gặp khó khăn mà đôi khi còn có nguy hiểm.

 

Chị Đỗ Thị Tuyết D., đồng đẳng viên xã Xuân Thượng, Xuân Trường, Nam Định là CTV nữ duy nhất của huyện thực hiện công tác cấp BKT cho người nghiện. Chồng chị D. nghiện chích đã chết vì AIDS, chị đang có HIV do lây truyền từ chồng. Thấm thía nỗi đau do HIV đem lại, chị muốn góp công sức bé nhỏ của mình vào công tác phòng ngừa này.

 

Chị D. tâm sự: “Con nghiện toàn hẹn gặp lúc chập tối, ở những nơi vắng vẻ như nghĩa trang, cuối xóm, mình là phụ nữ nên nhiều lúc cũng sợ. Đến lấy BKT nhiều người còn chìa tay xin tiền nữa. Có thời gian mình cũng nói chuyện với họ, lấy hoàn cảnh gia đình mình ra làm minh chứng để khuyên họ biết cách tự bảo vệ để không bị nhiễm căn bệnh thế kỷ như mình”.

 

Tạo thói quen mua BKT sạch

 

Thời gian đầu khi mới triển khai dự án, nhiều người lo sợ sẽ “nối giáo cho giặc”, cấp BKT có thể khuyến khích việc sử dụng ma túy.

 

Anh Phạm Kim Tuyết, cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Vinh, Xuân Trường, Nam Định, tuyên truyền viên của dự án cho biết, lúc dự án mới về, ngay cả cán bộ y tế xã cũng phản đối vì không muốn “dây dưa” với người nghiện.

 

Sử dụng riêng BKT sẽ giảm nguy cơ lây truyền HIV (Ảnh: baohaiphong)

Sử dụng riêng BKT sẽ giảm nguy cơ lây truyền HIV (Ảnh: baohaiphong)

 

“Trạm y tế xã là một trong những điểm cấp phát BKT. Lúc đầu các nhân viên ở đây cứ xì xào tự nhiên lại lôi người nghiện về trạm làm gì. Bây giờ thì mọi người hiểu hết rồi, nhân viên y tế cũng sẵn sàng cung cấp BKT cho người nghiện khi họ đến hỏi.

 

Thực ra người nghiện đã có tiền mua thuốc thì họ không thiếu gì tiền mua BKT. Thế nhưng họ chưa hiểu được tác hại của việc dùng BKT chung nên vẫn cứ liều sử dụng. Khi được tư vấn, được cấp BKT sạch để sử dụng rồi sẽ tạo cho họ thói quen mua BKT mới để sử dụng”, anh Tuyết nói.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế Nam Định, các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh việc trao đổi bơm kim tiêm cho người nghiện chích làm giảm khả năng lây lan HIV mà không hề tăng sử dụng ma túy. Phương pháp này không chỉ giảm nguy cơ dùng chung bơm kim tiêm mà còn giảm số bơm kim tiêm bẩn vứt bừa bãi trong cộng đồng, đe dọa sự an toàn của người dân.

 

“Chương trình đã tiếp cận được gần 4.000 người nghiện chích, cấp phát được hơn 1,4 triệu BKT sạch. Chương trình không chỉ giảm tỷ lệ dùng chung bơm kim tiêm mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người sử dụng ma túy. Đến nay hơn 90% người nghiện chích chúng tôi tiếp cận được đã thường xuyên sử dụng BKT sạch”, BS Hùng nói.

 

Toàn tỉnh Nam Định hiện nay có gần 4.400 bệnh nhân HIV/AIDS còn sống. Các nghiên cứu cho thấy, con đường lây truyền chủ yếu là qua sử dụng BKT chung. Việc cấp miễn phí BKT sạch để tạo thói quen sử dụng riêng BKT sẽ giảm nguy cơ lây truyền HIV từ người này sang người khác qua đường máu trong nhóm người tiêm chích ma tuý, qua đó sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

 

Chương trình đổi bơm kim tiêm được thực hiện từ năm 1982 tại châu Âu với mục đích dự phòng viêm gan B và C (các bệnh lây qua đường máu) trong nhóm nghiện chích ma túy nhờ làm giảm hiện tượng dùng chung bơm kim tiêm. Về sau, nó được coi là một biện pháp để ngăn ngừa HIV và đến nay đã triển khai rất hiệu quả ở 40 nước.

 

Tại Việt Nam, chương trình này đã được triển khai ở 32 tỉnh thành phố theo dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

 

Tính đến ngày 17/4/2012, cả nước có gần 200.800 ca nhiễm HIV, trong đó hơn 50.500 trường hợp chuyển thành AIDS. Số tử vong do bệnh này là gần 53.000 trường hợp.

 

Theo La Hoàn

Vietnamnet