Luật Đấu thầu có hiệu lực, vì sao bệnh viện vẫn thiếu thuốc?

Nam Phương

(Dân trí) - Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc trong các bệnh viện, đặc biệt Luật Đấu thầu có hiệu lực. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc vẫn còn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, việc đấu thầu mua thuốc có 3 cấp gồm mua sắm tập trung của Bộ Y tế, mua sắm tại tỉnh giao cho địa phương và cấp cơ sở y tế.

Luật Đấu thầu có hiệu lực đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong việc mua sắm tuy nhiên năm 2024 là năm đầu tiên triển khai quy định mới. Vì thế, thực tế vẫn còn vướng mắc trong quá trình thực hiện đấu thầu. 

"Văn bản quy định mới, nên vấn đề nghiên cứu, bố trí nhân lực thực hiện còn khó khăn. Có nhân lực đọc văn bản còn bỡ ngỡ", Bộ trưởng Lan nói.

Giải quyết việc này, ngoài việc tập huấn cho các địa phương, Bộ Y tế xây dựng sổ tay cẩm nang hướng dẫn đấu thầu thuốc để các địa phương triển khai thực hiện.

Luật Đấu thầu có hiệu lực, vì sao bệnh viện vẫn thiếu thuốc? - 1

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đến nay chưa được giải quyết triệt để (Ảnh minh họa: H.L).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng thừa nhận thực tiễn có đơn vị, cán bộ chưa dám nghĩ, dám làm, e ngại sai phạm nên triển khai còn vướng mắc. Bộ Y tế cũng trình Thủ tướng ban hành chỉ thị quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh liên quan đến thực hiện đấu thầu, đảm bảo về thuốc, vật tư y tế. 

Bộ Y tế mong muốn giám đốc cơ sở y tế tập trung triển khai nhiệm vụ hết sức quan trọng này.

Bộ trưởng cũng chỉ ra thêm vướng mắc về cơ chế khi có địa phương phân công cho trung tâm y tế, Sở Y tế mua sắm thực hiện. Trong quá trình triển khai có vướng mắc thì phân cấp cho cơ sở y tế.

Vì vậy, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến huyện phải triển khai mua sắm khó khăn. Việc phân bổ nguồn lực, lên kế hoạch còn thiếu chủ động. Vì vậy, các giải pháp về tổ chức thực hiện cũng cần được xem xét triển khai hiệu quả.

Đồng thời, cũng theo Bộ trưởng, nhiều cơ sở y tế vì nợ đọng nên các doanh nghiệp không mặn mà bán thuốc cho các đơn vị y tế công lập. Bộ Y tế cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết nợ đọng trên 11.000 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp cơ sở y tế giải quyết tình trạng nợ đọng. 

"Tiền nợ đọng này được gửi lại cho cơ sở y tế là nguồn lực lớn để đơn vị này đảm bảo điều kiện cho các cơ sở y tế mua thuốc, đấu thầu thuốc", Bộ trưởng lý giải. 

Về khó khăn của các nhà thuốc bệnh viện trong khâu đấu thầu, Bộ trưởng Lan cho biết, nhà thuốc bệnh viện do bệnh viện quản lý, tổ chức mua lẻ để bán cho người dân, không phải lấy tiền ngân sách, cũng không phải từ nguồn bảo hiểm y tế. 

Trước đây, bệnh viện tự quyết định việc mua sắm. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu 2023 quy định nhà thuốc bệnh viện cũng phải tổ chức đấu thầu, nhu cầu phát sinh của người bệnh rất đa dạng nên việc tổ chức đấu thầu của nhà thuốc bệnh viện gặp nhiều khó khăn. 

Vì thế, Luật Dược sửa đổi (được ấn nút thông qua tại kỳ họp này) sẽ giải quyết được vấn đề này. Luật này sẽ giao lại quyền chủ động trong vấn đề mua sắm của nhà thuốc bệnh viện cho các cơ sở y tế. Trên cơ sở đó sẽ cung cấp những nguồn thuốc phục vụ người dân.

Câu chuyện thiếu thuốc không mới. Trước đây, tình trạng này vẫn xảy ra nhưng chỉ nhỏ lẻ, ở chỗ này, chỗ kia tuy nhiên sau dịch Covid-19, nó lại xảy ra ở nhiều tỉnh thành, nhiều bệnh viện, kể cả các bệnh viện lớn.

Trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như đấu thầu chậm, nguồn hàng quen bị gián đoạn chưa kịp phục hồi sau Covid-19, việc nhập khẩu cũng khó khăn do thủ tục nhập cảnh và một số nước hạn chế xuất khẩu các loại thuốc men, vật tư y tế…

Bên cạnh đó, sau đại dịch, hàng loạt các vụ thanh kiểm tra, xử lý sai phạm về y tế cũng dẫn đến tâm lý e dè, ngại mua sắm, ngại đầu tư, làm thiếu thuốc men, hóa chất, trang thiết bị y tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm