Giám đốc BV Việt Đức lên tiếng vì thời gian chờ mổ kéo dài, thiếu thuốc

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo TS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Việt Đức, có thời điểm phải điều tiết giảm ca mổ vì liên quan thuốc mê chưa thể thầu, chỉ đảm bảo mổ cấp cứu. Hiện nay, số ca mổ tăng lên vì đã đủ thuốc.

Vẫn có bệnh nhân phải mua ngoài

Ngày 2/8, bên lề Hội thảo phổ biến Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện đã có những trao đổi thẳng thắn trước phản ánh của một số người bệnh về thời gian chờ mổ kéo dài, bệnh nhân vẫn phải mua thuốc ngoài.

TS Hùng thừa nhận thực tế, vẫn có những người bệnh phải đi mua thuốc ngoài do thiếu thuốc.

Giám đốc BV Việt Đức lên tiếng vì thời gian chờ mổ kéo dài, thiếu thuốc - 1

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Phương Hồng).

"Tuy nhiên, đây là những loại thuốc không thể thay thế và không mua sắm được. Ví dụ, loại thuốc đang thiếu ở tất cả các hệ thống bệnh viện công, là thuốc Albumin và Gamma Globulin, vì khi đấu thầu, không có một hãng nào, nhà phân phối nào tham gia đấu thầu. Vì vậy không mua sắm được, bệnh viện không có thuốc.

Trong khi đây là loại thuốc rất cần trong lâm sàng, đặc biệt những bệnh nhân nặng. Như ở Bệnh viện Việt Đức, số bệnh nhân ghép tạng dùng loại thuốc này rất nhiều nhưng không có thuốc ở hệ thống dược nội trú, nên bệnh nhân buộc phải mua ngoài", TS Hùng thông tin.

Theo Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, với các thuốc tương đương sinh học, không có thuốc này có thuốc khác tương đương thay thế, nên thuốc điều trị người bệnh không thiếu. Nhưng với những thuốc đặc thù như trên, không có bất cứ hãng, đối tác nào tham gia thầu nên bất khả kháng.

Ông Hùng cho biết thêm, trước kia, những thiếu thốn trong dược nội trú được khỏa lấp thông qua hệ thống nhà thuốc của bệnh viện. Tuy nhiên hiện các quy định mới về mua sắm đấu thầu thắt lại, khiến hệ thống nhà thuốc trong tất cả hệ thống bệnh viện công đều đang gặp khó khăn.

Thời gian chờ mổ lâu: Do phải điều tiết

Trước đó, cũng có những ý kiến phản ánh về thời gian chờ mổ ở Bệnh viện Việt Đức lâu, ông Hùng chia sẻ "không giấu giếm" thực trạng này.

Trước đó, đầu tháng 5, khi thông tư hướng dẫn đấu thầu có, các bệnh viện mới bắt tay làm hồ sơ để thầu.

"Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, thuốc mê quan trọng nhất và không có thuốc thay thế. Khi chậm tham gia thầu, chậm toàn hệ thống tất cả các bệnh viện, không thể vay mượn được các nơi.

Vì thế, vừa song song làm ngày làm đêm hồ sơ thầu, bệnh viện phải thực hiện điều tiết", TS Hùng nói.

Cụ thể, trung bình Bệnh viện Việt Đức thực hiện 270-300 ca mổ phiên, 30-40 ca mổ cấp cứu mỗi ngày.

Khi thiếu thuốc mê, bệnh viện phải buộc điều tiết, giảm mổ phiên, các ca phẫu thuật chậm không ảnh hưởng (như phẫu thuật tháo nẹp vít, phẫu thuật thẩm mỹ... ) buộc phải dừng lại.  Các ca mổ ung thư, mổ cấp cứu, hay ghép tạng từ người cho chết não... vẫn được đảm bảo.

Giám đốc BV Việt Đức lên tiếng vì thời gian chờ mổ kéo dài, thiếu thuốc - 2

Hiện nay Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện mổ lại bình thường, với gần 350 ca mổ mỗi ngày gồm cả mổ phiên, cấp cứu (Ảnh minh họa: T.A).

"Nếu không điều tiết, không có thuốc mê, thì ngay cả các ca mổ cấp cứu cũng không thể thực hiện. Chúng tôi buộc giảm bớt số lượng chứ không gián đoạn mổ. Thực tế cho thấy việc điều tiết hiệu quả, nay thuốc mê giải quyết xong, mổ tăng trở lại", TS Hùng lý giải.

"Về phản ánh thời gian chờ mổ kéo dài, ngoài nguyên nhân chủ quan như phân tích ở trên, Bệnh viện Việt Đức là tuyến cuối, bệnh nhân khắp nơi đổ về, số giường bệnh có hạn. 

Tất cả phòng mổ của bệnh viện hoạt động hết công suất, không thể hơn được nữa. Thầy thuốc mổ tới 9-10 giờ tối, không thể thực hiện được nữa bởi sẽ không đảm bảo được chất lượng khám chữa bệnh", Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.

Nhiều quy định được tháo gỡ, nhưng nhà thuốc bệnh viện lại gặp khó

Theo TS Hùng, nhiều quy định mới đã giúp bệnh viện tháo gỡ khó khăn ra sao trong mua sắm, đấu thầu, thậm chí có những quy định là bước tiến lớn, như không nhất thiết mua hàng với giá thấp nhất, hay bỏ quy định về nguồn gốc xuất xứ, giúp bệnh viện mua sắm được hàng tốt, giá hợp lý, tuân thủ theo quy định của pháp luật.

"Như với băng dính trong bệnh viện, với quy định mua giá rẻ nhất, có loại băng dính khi bóc kéo lột theo cả da của người bệnh, nhưng vì rẻ nhất nên trúng thầu. Nay điều này đã được điều chỉnh, bệnh viện không cần buộc mua hàng rẻ nhất, mà mua được hàng tốt, chính hãng, giá hợp lý và tuân thủ đúng pháp luật", TS Hùng nói.

TS Hùng cũng chỉ ra thực tế, với quy định mới về đấu thầu, nhà thuốc các bệnh viện công đang gặp khó.

Theo ông Hùng, nhà thuốc bệnh viện không chỉ đáp ứng nhu cầu mua thuốc của bệnh nhân nội trú, bệnh nhân ra viện, bệnh nhân đến khám.

"Khi nhà thuốc bệnh viện không có, chỉ cần vài bước chân, họ có thể mua ở các nhà thuốc ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, khi bệnh nhân mang thuốc từ ngoài vào khi đang nằm nội trú dùng, nhất là một loại thuốc yêu cầu điều kiện bảo quản rất ngặt nghèo, chất lượng thuốc đó nếu có vấn đề gì, ai là người chịu trách nhiệm?

Vì thế, quan điểm của bệnh viện là không ủng hộ bệnh nhân mua thuốc bên ngoài dùng trong nội trú. Nhưng nếu như thuốc đó đã được đấu thầu vào, mua qua hệ thống dược của bệnh viện, trong đó nhà thuốc là một phần hệ thống dược, thì bệnh viện phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc đó", TS Hùng nói.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết những khó khăn này đã được bệnh viện báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. "Chúng tôi mong mỏi những ý kiến đóng góp của các cơ quan có thẩm quyền giúp tháo gỡ, bởi không riêng Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện công lập đang gặp khó khăn", TS Hùng chia sẻ.  

Ông Hùng nói thêm: "Có thể nói rằng thời gian khó khăn nhất với bệnh viện đã qua rồi, các gói thầu có kết quả, chúng tôi đã gọi hàng. Những khó khăn còn vướng mắc, chúng tôi hy vọng được tháo gỡ sớm nhất".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm