Lọc máu chạy thận cả đêm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu
(Dân trí) - Mỗi ngày tại khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) có 4 ca lọc máu cho bệnh nhân suy thận, với thời gian bắt đầu chạy thận từ đầu giờ sáng đến khi kết thúc ca lọc cuối cùng là khoảng hơn 12 giờ đêm mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người cần lọc máu.
Ngày 11/8, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết thời gian gân đây, số bệnh nhân suy thận có chỉ định chạy thận do biến chứng của các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường, cao huyết áp… ngày càng tăng. Bạch Mai cũng là đơn vị lọc máu lớn nhất cả nước với khoảng hơn 600 bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ.
Chiều cùng ngày, khi đến khoa Thận nhân tạo, chúng tôi chứng kiến cảnh người bệnh vừa bước vào ca lọc máu thứ 2 thì các bệnh nhân lọc ca 3 đã ngồi hàng dãy chờ đợi. Máy vừa lọc xong, trong lúc người bệnh ngồi nghỉ ngơi chút ít sau lọc thì điều dưỡng đã phải tiến hành vệ sinh, chuẩn bị máy móc để đón bệnh nhân tiếp theo.
Chị Tưởng Thị Thanh (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) đã lọc máu chạy thận hơn 1 năm tại đây cho biết, chị may mắn thường rơi vào ca 2, ca 3 của lọc máu nên không quá đỗi vất vả. Có những bệnh nhân lọc máu vào ca 4, 12 giờ đêm, 1 giờ sáng mới xong nên ở ngay ngoại thành Hà Nội cũng không thể về nhà mà phải ở trọ qua đêm.
“Bản thân tôi cũng vậy, tuần lọc máu 3 lần, thỉnh thoảng rơi vào ca 4 là vô cùng mệt mỏi, không chỉ mình mình ngủ lại viện mà còn có người chăm nom. Vì thế, bệnh nhân chạy thận chúng tôi luôn ao ước có nhiều máy hơn nữa để người bệnh thuận lợi khi chạy thận”, chị Thanh nói.
Ngay giường bệnh bên cạnh, khi anh H.P.K khi đang dùng bông tiệt trùng lau dọc ven chọc máu bị phồng sau lọc máu thì đã có bệnh nhân ca sau lục đục vào chuẩn bị để lên giường bệnh.
“Bệnh nhân chạy thận chúng tôi rất thông cảm cho nhau vì ai cũng có tâm lý chạy thận sớm được tí nào hay tí đấy về còn nghỉ ngơi, ăn uống. Chậm một cái, một ca lọc máu kéo dài 3 - 4 tiếng, ở lại đêm còn bao điều phải lo lắng, phiền phức”, anh K nói.
Theo TS Dũng, với số bệnh nhân chạy thận hơn 600 người nhưng số máy chạy thận nhân tạo của khoa còn rất hạn chế. Hiện khoa có hơn 100 máy thì có 85 máy hoạt động 24/24h, một số máy dự phòng cho bệnh nhân cấp cứu hoặc hỏng hóc... Tình trạng quá tải bệnh nhân chạy thận nhân tạo khiến các máy phải hoạt động hết công suất, với tỷ lệ quá tải là 200% mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Tại khoa, một ngày tổ chức 4 ca lọc máu chạy thận với khoảng trên 80 bệnh nhân được chạy thận, trung bình mỗi ca hơn 4 tiếng nên ca thứ 4 kết thúc cũng thường ở lúc 12h đêm, 1 giờ sáng. Người bệnh suy thận đã suy nhược, gầy gò, sống mòn lại phải chờ đợi máy, lọc máu vào đêm hôm khuya khoắt khiến họ rất mệt mỏi.
Để giảm bớt những mệt mỏi vì chờ đợi lọc máu của bệnh nhân thận,, ngày 11/8, khoa Thận nhân tạo được tài trợ 20 máy chạy thận nhân tạo mới, hiện đại của Nhật, trị giá 8,4 tỷ đồng do Viettin bank tài trợ. Theo TS Dũng, việc có 20 máy chạy thận mới, hiện đại này sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội tiếp cận với dịch vụ điều trị tốt hơn, giảm thời gian chờ đợi.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 trường hợp suy thận mới, trong đó tỷ lệ phải chạy thận nhân tạo là khá cao. Nguyên nhân chủ yếu do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường.
Tuy nhiên, bệnh suy thận lại diễn biến rất âm thầm, khó nhận biết. Khi đã có biểu hiện như ăn không ngon, mệt bất thường, đi tiểu nhiều, uống nhiều nước, tiểu khó, tiểu máu, tiểu đục, đau bụng, đau dọc theo vùng cột sống thắt lưng, cao huyết áp, phù nề hay bị chuột rút... thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn. Rất nhiều bệnh nhân chỉ được phát hiện bệnh tình cờ trong một lần đi khám bệnh, sau một cơn mệt mỏi bất thường... thì đã ở giai đoạn 3B, giai đoạn 4 phải chạy thận nhân tạo.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo tất cả mọi người (kể cả những người trẻ) nên khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm cơ bản về huyết học, tiết niệu 6 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm nhất. Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu bệnh nhân chưa phải lọc máu mà điều trị nội khoa, thường sau 5 - 10 năm mới tiến triển sang giai đoạn phải chạy thận.
Hồng Hải