Loạt thay đổi đáng chú ý khi Covid-19 "hạ cấp"
(Dân trí) - Việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B sẽ dẫn đến nhiều thay đổi đáng chú ý.
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định 3896 về việc điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Cụ thể, từ ngày 20/10, Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B sẽ dẫn đến nhiều thay đổi đáng chú ý.
Những trường hợp nào bắt buộc phải đeo khẩu trang?
Theo GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Đối với Covid-19, trong năm 2023 số ca mắc đã giảm 82 lần so với năm 2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ ca tử vong/ca mắc là 0,022, tức là giảm 100 lần so với năm 2021. Tác nhân gây bệnh Covid-19 cũng đã được xác định là virus SARS-CoV-2.
"Từ các yếu tố như vậy thì Covid-19 hiện nay phù hợp để chuyển từ nhóm A sang nhóm B", GS Lân cho hay.
Theo chuyên gia này, khi Covid-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, về công tác phòng bệnh, ngành y tế sẽ tiếp tục khuyến cáo 2K, đặc biệt khuyến khích đeo khẩu trang ở nơi công cộng và cơ sở khám chữa bệnh.
"Việc đeo khẩu trang không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn nhiều bệnh lý lây qua đường hô hấp khác", GS Lân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, có 2 nhóm đối tượng vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Nhóm đầu tiên là người mắc Covid-19. Người bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang trong 10 ngày, kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 hoặc kể từ khi có triệu chứng.
Nhóm thứ hai cần đeo khẩu trang là những người chăm sóc người mắc Covid-19.
Thay đổi về chính sách chi trả chi phí khám chữa bệnh Covid-19
Về vấn đề chi trả cho công tác khám chữa bệnh Covid-19, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết, khi bệnh Covid-19 được điều chỉnh sang nhóm B, việc thanh toán viện phí sẽ chia ra nhiều trường hợp.
Nếu các trường hợp đến khám từ ngày 19/10 trở về trước, ngân sách nhà nước vẫn sẽ chi trả.
Từ ngày 20/10, người bệnh đi khám chữa bệnh Covid-19 thì quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh sẽ chi trả theo quy định bảo hiểm y tế. Nếu người bệnh đi khám không đúng tuyến sẽ hưởng bảo hiểm y tế ở mức thấp hơn như quy định hiện hành với các bệnh truyền nhiễm nhóm B.
"Thậm chí, nếu người bệnh đi khám ngoại trú ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương thì quỹ bảo hiểm y tế không chi trả", ông Toàn cho hay.
Với người không có bảo hiểm y tế sẽ phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh Covid-19, khi bệnh chuyển sang nhóm B.
Ông Toàn chia sẻ: "Với trường hợp chuyển tiếp là nhập viện trước ngày 20/10 và ra viện sau 20/10 thì ngân sách nhà nước vẫn chi trả theo bệnh truyền nhiễm nhóm A".
Thông tin thêm về công tác điều trị Covid-19, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, việc chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B không có nghĩa là bệnh nhẹ đi.
Phác đồ điều trị bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục duy trì theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế cũng đã cập nhật thêm một số hướng dẫn về cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Giải thể các bệnh viện dã chiến
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, hiện nay hầu hết các địa phương đã giải thể bệnh viện dã chiến.
Về cơ sở bệnh viện dã chiến của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại Hoàng Mai hiện đã giải thể. Theo đề nghị của bệnh viện, Bộ Y tế sẽ xem xét để cơ sở này hoạt động theo hướng đáp ứng khám chữa bệnh thông thường.
"Đối với cơ sở khám chữa bệnh y tế thông thường sẽ có những điều kiện về cơ sở vật chất khác với bệnh viện dã chiến. Do đó, để cơ sở dã chiến này chuyển đổi thì cần phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định hiện hành", ông Khoa phân tích.
Hiện Bộ Y tế vẫn đang duy trì bệnh viện dã chiến số 13 ở TPHCM để sẵn sàng tiếp nhận thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 khi có dịch trở lại. Tuy nhiên, Sở Y tế TPHCM cũng đã có báo cáo đề nghị giải thể cơ sở này.
Ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng nguy cơ cao
Với Covid-19, hiện tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Việt Nam đang rất cao và gần như các mũi tiêm khuyến cáo đã thực hiện được.
Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch vaccine năm 2023, trong đó khuyến cáo những người chưa tiêm đủ mũi, đặc biệt là người có bệnh nền cần ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
Hiện nay, theo khuyến cáo của WHO, sau khi tiêm đủ các mũi, đối với người có yếu tố nguy cơ cao sẽ cần tiêm nhắc lại sau 6 - 12 tháng.
Theo ông Phan Trọng Lân, hiện vẫn chưa có khuyến cáo tiêm thường quy hàng năm đối với vaccine Covid-19.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu dựa trên các căn cứ khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, để có khuyến cáo tiêm chủng vaccine Covid-19 phù hợp. Cần tính toán kỹ phương án nào tốt nhất cho người dân", ông Lân nhấn mạnh.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có hơn 11,6 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.470 ca nhiễm).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước ta tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 266 triệu liều vaccine phòng Covid-19.