DMagazine

Hạ cấp độ nguy hiểm của Covid-19 và những "bài toán khó" cần lời giải

(Dân trí) - Khi Covid-19 được loại ra danh sách bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, điều này sẽ tác động đến công tác chống dịch, việc điều hành chăm sóc y tế lẫn cuộc sống người dân.

Khi Covid-19 được loại ra danh sách bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, điều này sẽ tác động đến công tác chống dịch, việc điều hành chăm sóc y tế lẫn cuộc sống người dân.

Ngày 17/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành tại Nghị quyết 38 về chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

"Covid-19 có thể sớm không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm?" và  "Liệu có tiềm ẩn những rủi ro sau khi dịch bệnh này được hạ cấp?".

Dân trí đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM để làm rõ vấn đề này.

Hạ cấp độ nguy hiểm của Covid-19 và những bài toán khó cần lời giải - 1
Hạ cấp độ nguy hiểm của Covid-19 và những bài toán khó cần lời giải - 3

Trong Nghị quyết 38 về chương trình phòng, chống Covid-19 mới được ban hành đã nhấn mạnh việc nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Dưới góc độ của một chuyên gia dịch tễ, ông đánh giá sự thay đổi này như thế nào?

- Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Khi chúng ta đã chuyển sang chiến lược thích ứng với Covid-19 và hướng đến trạng thái "bình thường mới", việc đánh giá mức độ nguy hiểm của Covid-19 để có thể xem xét đưa nó về bệnh truyền nhiễm nhóm B là rất cần thiết.

Vậy theo ông hiện đã đến lúc loại Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A?

- Như đã đề cập, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có 2 đặc điểm chính là lây lan nhanh và gây tử vong cao. Cả 2 đặc điểm này, hiện tại, Covid-19 vẫn đều đang có.

Thứ nhất bệnh có lây lan nhanh không? Rất nhanh! Covid-19 hiện vẫn đang lan truyền nhanh hơn các bệnh truyền nhiễm trước đó như: cúm mùa, sốt xuất huyết…

Xét về tiêu chuẩn thứ hai, mặc dù hiện biến thể Omicron có nguy cơ diễn biến nặng và tử vong thấp hơn các biến thể trước đó, nhưng so với các bệnh truyền nhiễm khác, tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, còn phải tính đến nguy cơ virus SARS-CoV-2 đột biến làm xuất hiện các biến thể tăng nguy cơ tử vong.

Hạ cấp độ nguy hiểm của Covid-19 và những bài toán khó cần lời giải - 5

Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa thể đảm bảo tiêm phủ hết vaccine cho những đối tượng có nguy cơ cao. Không ít người cao tuổi, người có bệnh nền thuộc diện chống chỉ định nên vẫn chưa được vaccine bảo vệ.

Một ví dụ trực quan là Hàn Quốc. Đây là một đất nước có các biện pháp chống dịch rất chặt chẽ, họ có những "chỉ số" rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số ca tử vong do Covid-19 đã tăng nhanh, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine của họ rất cao.

Theo thống kê, hàng ngày có khoảng 400 - 500 bệnh nhân Covid-19 tại Hàn Quốc tử vong. Con số này thậm chí còn cao hơn ở nước ta trong giai đoạn "rất nóng" hồi tháng 7 - tháng 8 năm ngoái. Như vậy có thể thấy, hiện tại, không có nước nào có thể tự tin rằng kiểm soát Covid-19 hoàn toàn.

Với Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nếu "hạ cấp" Covid-19, theo quan điểm của cá nhân tôi, vẫn tiềm ẩn 10% nguy cơ.

Hạ cấp độ nguy hiểm của Covid-19 và những bài toán khó cần lời giải - 7

Ông có thể phân tích rõ hơn về "10% nguy cơ" mà mình đang lo ngại?

- Nhiều người nghĩ đơn giản khi Covid-19 được hạ cấp độ, nhà nước ít kiểm soát hơn thì các hoạt động thường ngày, kinh doanh sẽ dễ dàng hơn, nhưng thực ra còn nhiều vấn đề phức tạp. Do đó, để thực hiện cần có lộ trình từng bước, không thể làm trong ngày một, ngày hai.

Nếu như với bệnh truyền nhiễm nhóm A, Nhà nước có thể điều phối và ra chỉ đạo chung cho các hoạt động xã hội, thì với bệnh truyền nhiễm nhóm B, việc ra các quy định phòng chống dịch sẽ được giao về cho mỗi đơn vị, mỗi địa phương. Việc này có thể phát sinh nhiều vấn đề nếu không được lên phương án tốt.

Lấy ví dụ với việc đi học. Hiện nay, Nhà nước có thể ra các quy định, hướng dẫn chung: trường có bao nhiêu F0 thì cần đóng cửa, F0 xử lý thế nào, F1 có được đi học hay không?

Tuy nhiên, khi mỗi trường tự áp dụng các tiêu chí an toàn riêng, các quy định riêng có thể làm phát sinh bất cập và khiến phụ huynh bị "rối".

Hạ cấp độ nguy hiểm của Covid-19 và những bài toán khó cần lời giải - 9

Đó là còn chưa kể đến các nguy cơ về sức khỏe, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh gây ra. Bởi một điều hiển nhiên là khi loại Covid-19 khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, dịch không hề "biến mất" mà vẫn tiếp tục lây lan và gây tử vong.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho người dân và ổn định xã hội, hiện tại vẫn nên để Covid-19 ở nhóm A.

Hạ cấp độ nguy hiểm của Covid-19 và những bài toán khó cần lời giải - 11

Có nghĩa là hiện tại, các biện pháp chống dịch của Việt Nam chưa cần thay đổi?

- Tại Việt Nam đã có sự thay đổi lớn từ chiến lược "Zero Covid-19" sang "Thích ứng Covid-19". Do đó, có thể thấy trong thời gian vừa qua, chúng ta đang trong lộ trình "nới lỏng" dần các biện pháp chống dịch để phù hợp hơn với tình hình mới, góp phần tạo điều kiện phục hồi kinh tế.

Hiện nay, hầu như các mặt của cuộc sống đều đã được ổn định. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta vẫn nên thay đổi một số quy định trong phòng chống dịch để phù hợp hơn với thực tế.

Một trong những vấn đề bất cập có thể thấy rõ ở thời điểm hiện tại là việc F1 vẫn thuộc diện phải cách ly.

Trên thực tế, theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm không bắt buộc các F1 phải cách ly. Trong khi đó, số lượng F1 hiện nay đang rất nhiều. Việc bắt buộc cách ly F1 sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của một bộ phận không nhỏ người dân, kéo theo đó là các tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, sản xuất.

Do đó, chúng ta nên cân nhắc để tùy hoàn cảnh nới lỏng các quy định cách ly với F1.

Ngược lại, có một số biện pháp chống dịch đã được áp dụng một thời gian dài nhưng hiện nay vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế và nên tiếp tục duy trì.

Hạ cấp độ nguy hiểm của Covid-19 và những bài toán khó cần lời giải - 13

Điển hình như khuyến cáo 5K. Nó được bắt nguồn từ khuyến cáo về y tế cộng đồng và xã hội của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron, WHO vẫn nhấn mạnh thực hiện 5K tốt hơn nữa. 

Tuân thủ 5K để chúng ta đi làm và sinh hoạt xã hội bình thường, trẻ em được đến trường. Nếu không, xã hội có thể rối loạn khi mà người mắc bệnh không khai báo, vẫn đến chỗ đông người gây lây lan dịch bệnh.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc cấm F0 ra khỏi nhà không còn phù hợp và nên "dỡ cách ly" kèm theo một số điều kiện với đối tượng này. Quan điểm của ông như thế nào?

- Theo tôi, hiện nay, có một việc thực sự cần thiết có thể cho F0 rời khỏi nhà đó là khám chữa bệnh và lấy thuốc. Ngoài ra, việc cho F0 đi mua nhu yếu phẩm đồ ăn, thức uống trong trường hợp bất khả kháng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chưa nên cho phép F0 không triệu chứng đi làm vì lợi bất cập hại.

Về phía F0, dưới sức ép mưu sinh, dù đang có triệu chứng, có thể khai báo không có triệu chứng để đi làm. Việc này không những ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Về phía các cơ quan, xí nghiệp có thể xuất hiện tình trạng tạo sức ép để buộc người lao động là F0 phải đi làm. Ví dụ như tạo sức ép cho người công nhân cảm thấy nếu khai báo là F0 có triệu chứng và xin nghỉ sẽ bị đánh giá là không quan tâm đến công việc chung và dễ bị sa thải hay ảnh hưởng đến các quyền lợi sau này.

Xin cảm ơn ông!

Hạ cấp độ nguy hiểm của Covid-19 và những bài toán khó cần lời giải - 15

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Nguyễn Vượng