Loại rượu "ông uống bà khen" hay dùng biếu Tết tiềm ẩn loạt nguy cơ
(Dân trí) - Dịp Tết, những loại rượu này được xem là "quà quý", "hàng độc" để biếu tặng hay để mời khách đến nhà chơi.
Ở Việt Nam, việc có một bình rượu thuốc ở nhà đã trở thành quen thuộc và thậm chí còn là trào lưu.
Đặc biệt, các loại rượu ngâm động vật hoang dã như: rắn, bìm bịp, tắc kè, ong, bò cạp, cá ngựa được đồn thổi là có công dụng bồi bổ, "khỏe" chuyện ấy.
Dịp Tết, những loại rượu này được xem là "quà quý", "hàng độc" để biếu tặng hay để mời khách đến nhà chơi.
Thậm chí việc sử dụng con vật còn nguyên lông, nguyên con để ngâm, được một bộ phận người dân cho rằng sẽ càng thể hiện đẳng cấp của người sở hữu.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của chuyên gia, việc người dân tự ngâm rượu động vật lợi đâu chưa thấy mà nguy cơ lại luôn tiềm tàng.
Theo bác sĩ y học cổ truyền Trương Văn Quân, trong y học cổ truyền, một số vị thuốc có nguồn gốc từ động vật như: tắc kè, cá ngựa, lộc nhung,... có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực.
Tuy nhiên việc sử dụng những dược vật này nhằm mục đích làm thuốc hay ngâm rượu cần tuân theo các quy định và lý luận của y học cổ truyền về tính vị quy kinh, bào chế, liều lượng, cách sử dụng để đạt hiệu quả tốt nhất.
"Việc sử dụng các vị thuốc có nguồn gốc từ động vật để ngâm rượu cần tham vấn ý kiến của các bác sĩ y học cổ truyền hoặc những người có chuyên môn", BS Quân cho hay.
Nếu không biết thật rõ tác dụng động vật, rễ cây, củ cây rừng, thảo dược, người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm. Vì nếu sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng, có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Lợi ích của các loại rượu ngâm động vật vẫn chưa thấy rõ, nhưng trước mắt việc sử dụng rượu đã đem lại nhiều nguy cơ. Rượu thuốc nếu uống tùy tiện sẽ gây ra ngộ độc, dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp, nhiễm khuẩn đường ruột.
Trên thực tế, nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn chuột, nhái, ếch, thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng.
Dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông, nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và kí sinh trùng vào cơ thể.
BS Quân chỉ rõ: "Đặc biệt, với các loại rượu ngâm động vật, nồng độ cồn sẽ bị giảm dần theo thời gian nên chất đạm tiết ra từ động vật có thể bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn… từ đó làm tăng nguy cơ ngộ độc".
Cũng theo chuyên gia này, không có khuyến cáo đối với việc sử dụng các động vật rừng làm đồ ăn có tác dụng tăng cường sinh lý.
BS Quân nhận định, đó là một quan niệm sai lầm, điều này dẫn đến một số động vật từng quý hiếm bị săn bắt và khai thác bừa bãi dẫn đến nguy cơ giảm số lượng và tuyệt chủng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân của các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây "thuốc" chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như: ong đất, tắc kè, mật động vật các loại là khoảng 10%.