5 điều bạn phải biết khi uống rượu bia để không bị say

Hà An

(Dân trí) - Tác động của rượu đối với mỗi người có thể khác nhau đáng kể do các yếu tố bao gồm giới tính, tuổi, sức khỏe tổng thể, di truyền, cân nặng, trước đó đã ăn hay chưa… Say rượu là một dạng ngộ độc.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), rượu là một chất ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể.

Nó có thể ảnh hưởng đến não gây ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, ảnh hưởng chức năng hô hấp gây ngừng thở, thở yếu), ảnh hưởng chức năng tim mạch, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến đường máu chuyển hóa gây hạ đường huyết, hạ thân nhiệt... 

5 điều bạn phải biết khi uống rượu bia để không bị say - 1

Các bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp tổn thương não, hạ đường huyết chỉ vì uống quá nhiều rượu (Ảnh minh họa: N.P).

Nó cũng là một chất làm mất khả năng kiểm soát, thậm chí chỉ uống ít. Vì thế, chúng ta nên cố gắng hạn chế tối đa việc uống rượu, không nên quá vui vẻ mà uống liên tục trong nhiều ngày.

Tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh. Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng. 

Đặc biệt rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.

Trong trường hợp phải uống rượu bia thì tốt nhất bạn không sử dụng quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn với nữ giới và không uống quá 5 ngày mỗi tuần. 

Mẹo uống rượu bia không bị say

Say rượu là một dạng ngộ độc rượu. Tùy từng người, mức độ uống, loại rượu mà biểu hiện say khác nhau. Từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.

Thật may mắn, bạn có thể uống mà không bị say. Cụ thể:

- Học cách duy trì điểm BAC (nồng độ cồn trong máu) phù hợp của bạn

Để uống mà không say, bạn cần đặt mục tiêu giữ BAC dưới 0,06%. BAC ở mức 0,06% là mức lý tưởng bởi vì bạn có thể tận hưởng một khoảng thời gian vui vẻ mà không có tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều.

Theo Healthline, mức dưới 0,06% có thể khiến bạn cảm thấy thư giãn và hòa đồng hơn. Tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của cơ thể, bạn cũng có thể cảm thấy choáng váng và khả năng phán đoán của bạn có thể bị suy giảm đôi chút, nhưng bạn sẽ không vấp ngã hoặc nói ngọng.

Bạn cũng sẽ có thể ngủ ngon hơn và tránh được cảm giác nôn nao chết người vào sáng hôm sau để có thể tiếp tục ngày mới.

- Ăn cái gì đó trước

Điều quan trọng là bạn phải ăn. Thức ăn trong dạ dày giúp làm chậm quá trình hấp thụ rượu, có thể làm giảm BAC của bạn.

Hãy ăn một bữa hoặc ít nhất là một bữa ăn nhẹ thịnh soạn trước khi tham gia một sự kiện hoặc đi chơi đêm và tiếp tục ăn vặt trong khi uống rượu.

Một số loại thực phẩm tốt hơn những loại khác trước khi uống rượu vì cùng với việc làm chậm quá trình hấp thụ rượu, chúng cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về bụng do rượu gây ra, như ợ nóng và buồn nôn, đồng thời giúp ngăn ngừa cảm giác nôn nao. 

Các thực phẩm này gồm trứng, chuối, bưởi, dưa hấu, bơ, khoai lang, củ cải, yến mạch, măng tây, bánh pudding hạt chia… 

- Nhâm nhi, đừng uống nhanh

Cơ thể thường mất một giờ để tiêu hóa một ly đồ uống tiêu chuẩn. Nếu bạn uống nhanh hoặc uống cạn, cơ thể bạn sẽ không có thời gian cần thiết để làm việc này, dẫn đến tích tụ cồn trong máu và BAC cao hơn.

Nhâm nhi đồ uống của bạn một cách chậm rãi để không uống quá một ly mỗi giờ là cách tốt nhất để không bị say.

Để giúp bạn điều chỉnh nhịp độ, đừng gọi đồ uống khác hoặc để ai đó rót đầy ly cho đến khi cạn. Có đá trong ly cũng sẽ làm bạn uống chậm lại và làm giảm bớt rượu một chút.

- Uống xen kẽ giữa đồ uống có cồn và không cồn

Nếu bạn định uống rượu, việc xen kẽ giữa đồ uống có cồn và không cồn là một cách tuyệt vời để hạn chế uống rượu và giúp bạn không bị say. Nước luôn là một lựa chọn tốt. 

Pha loãng rượu với nước hoặc nước trái cây cũng sẽ làm giảm lượng rượu trong máu.

- Thay đổi hình dạng cốc uống

Có một số bằng chứng cho thấy hình dạng ly có thể ảnh hưởng đến lượng rượu bạn uống. Theo nghiên cứu đó, mọi người (bao gồm cả những người pha chế rượu chuyên nghiệp) vô tình rót nhiều rượu hơn từ 20 đến 30% vào những chiếc ly ngắn, rộng so với những chiếc ly cao, mảnh.

Nếu bạn ra ngoài uống và cố gắng không say, bạn nên yêu cầu đồ uống của mình trong một chiếc ly cao và hẹp nếu có thể.

Dù vậy, nếu bạn đang cố gắng không say, hãy nói không với việc uống rượu. 

Rượu bia là chất làm giảm chức năng của não

Và hãy nhớ rằng, việc say hay không say không đồng nghĩa với việc bạn có thể lái xe. Ngay cả khi bạn giữ giới hạn rượu của mình dưới mức giới hạn cho phép, điều đó không có nghĩa là bạn đủ khả năng lái xe.

Bạn vẫn có thể bị suy giảm các kỹ năng cần thiết để lái xe ngay cả khi không cảm thấy say, ngay cả khi bạn giữ BAC của mình dưới mức 0,06%.

Nồng độ cồn trong máu ở mức trên 0,02% là không an toàn vì bạn bị mất khả năng phán đoán và suy giảm chức năng thị giác. Điều đó có nghĩa người đó có trên 20 miligam rượu trong 100 mililít máu. Tuy nhiên, ngay cả một lượng nhỏ rượu cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe. 

Tác động của rượu đối với một người có thể khác nhau đáng kể do các yếu tố bao gồm: Giới tính, tuổi, sức khỏe tổng thể, di truyền, cân nặng, trước đó đã ăn hay chưa ăn…

Vì thế, ngay cả khi bạn không có ý định say rượu, việc gọi xe taxi về nhà cũng là một ý tưởng hay nếu bạn định uống rượu. Một lựa chọn khác là sắp xếp một nơi để ở cho đến khi bạn tỉnh táo và có thể lái xe trở lại an toàn.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, rượu bia là chất làm giảm chức năng của não, làm suy giảm khả năng tư duy, suy luận và phối hợp cơ bắp. Tất cả những khả năng này là cần thiết để vận hành phương tiện giao thông một cách an toàn.

Khi nồng độ cồn tăng lên trong cơ thể, các tác động tiêu cực đến hệ thống thần kinh trung ương sẽ tăng lên. Rượu được hấp thụ trực tiếp qua thành dạ dày và ruột non. Sau đó, nó đi vào máu, nơi nó tích tụ cho đến khi được chuyển hóa ở gan. 

Công thức tính nồng độ cồn trong máu: C = 1,056  x A : (10W x R).

Trong đó, A là số đơn vị cồn uống vào, W là cân nặng, R là hằng số hấp thụ rượu theo giới tính (r = 0,7 với nam và r = 0,6 với nữ).

Ví dụ, một nam giới 70kg uống 440ml bia 5% cồn tương đương 2 đơn vị cồn thì nồng độ cồn trong máu là C = 1,056 x 20:(10 x 70 x 0,7)= 0,0431 và tương đương 43,1mg/100ml máu.

1 đơn vị cồn tương đương với khoảng 3⁄4 chai hay lon bia có dung tích 330ml (5%), 1 cốc bia hơi 330ml, 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). Một đơn vị cồn tương đương 10 gam cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. 

5 điều bạn phải biết khi uống rượu bia để không bị say - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm