1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lo ngại ngộ độc thực phẩm trong trường học

“Ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học ảnh hưởng rất nhiều đến dư luận, gây tâm lý lo lắng cho các bậc phụ huynh” - TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhận định.

Con bị ngộ độc, cha mẹ quýnh quáng

TS Long dẫn chứng năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra trường hợp một công ty chế biến thực phẩm chở thịt, cá biến chất đến giao cho một trường tiểu học để nấu cho học sinh. “Vụ việc sau đó đã được làm rõ và xử lý đúng luật. Tuy nhiên, do bức xúc của phụ huynh nên một tháng sau vụ việc nói trên vẫn tiếp tục được báo chí khai thác thông tin. Điều này chứng tỏ mối quan tâm của cộng đồng đối với nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong trường học là rất lớn” - TS Long cho biết.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, dẫn chứng thêm: “Cách đây không lâu đã xảy ra ngộ độc thực phẩm tại một nhà trẻ trên địa bàn TP.HCM. Trong lúc cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý các ca ngộ độc thì nhiều phụ huynh nóng lòng chạy vào trường. Mỗi cháu được cả cha lẫn mẹ, ông bà bồng bế đến phòng khám để được theo dõi sức khỏe. Mặc dù điều này ảnh hưởng đến việc truy tìm nguyên nhân gây ngộ độc nhưng không thể trách cứ các bậc phụ huynh bởi họ quá thương và lo lắng cho con cháu của mình”.

Học sinh tại một trường tiểu học ở TP.HCM đang ăn cơm trưa. Ảnh: TRẦN NGỌC
Học sinh tại một trường tiểu học ở TP.HCM đang ăn cơm trưa. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ngộ độc thực phẩm do… bảo mẫu

“Nói đến ngộ độc thực phẩm nhiều người nghĩ do thức ăn. Song có trường hợp ngộ độc thực phẩm xuất phát từ các cô bảo mẫu. Do không rửa tay trước khi phân chia suất ăn nên các cô đã truyền vi khuẩn từ tay qua cơm, thịt…, gây ngộ độc cho học sinh. Cũng có trường hợp do mặt bằng chật hẹp nên có trường để thức ăn dọc hành lang khiến bụi bặm dễ bám. Đây cũng là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm” - ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho hay.

ThS-BS Mai thông tin: “Trong năm 2015 vừa qua, một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM khiến 65 học sinh mắc bệnh. Sau khi phân tích các mẫu thức ăn lưu, cơ quan chức năng không phát hiện nguy cơ. Cuối cùng, nguyên nhân gây ngộ độc được xác định do chuối bị nhiễm vi khuẩn E.coli. Chuối không được rửa nên vi khuẩn E.coli bám trên vỏ chuối. Học sinh lại thích ngậm chuối trước khi lột vỏ nên bị nhiễm E.coli”.

Tháng 3 và 10 dễ bị ngộ độc thực phẩm

ThS Cao Văn Trung, Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm thuộc Cục An toàn thực phẩm, cho biết ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trường học xảy ra hầu hết các tháng trong năm nhưng nhiều nhất vào tháng 3 và 10. “Tháng 3 là thời điểm giao mùa giữa xuân và hè khiến thức ăn mau hư do vi sinh vật dễ phát triển. Tháng 10 là thời điểm sau nghỉ hè, học sinh thay đổi thói quen ăn uống. Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng kém chặt chẽ nên dễ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm” - ThS Trung nói.

Theo ThS Trung, trên 47% ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học là do vi sinh vật (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng), hơn 5% do độc tố tự nhiên (histamine trong cá, độc tố trong nấm), trên 5% do hóa chất bảo vệ thực vật và hơn 42% chưa xác định được căn nguyên. “An toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học vẫn còn phức tạp, vẫn còn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân do nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường rất đa dạng, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường học không ngừng gia tăng. Nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện ATVSTP không đảm bảo nhưng vẫn cung cấp suất ăn cho trường” - ThS Trung nhận định.

TP.HCM hiện có trên 2.820 trường học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, ĐH, CĐ, trung cấp có dịch vụ ăn uống. Trong đó 1.620 trường có bếp ăn tập thể, trên 880 trường có căn tin, gần 320 trường hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Số vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học có xu hướng giảm trong những năm 2010-2013. Tuy nhiên, trong hai năm 2014-2015, mỗi năm đều có một vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học (năm 2014 có 97 học sinh ngộ độc và năm 2015 là 65 học sinh).

Để đảm bảo ATVSTP trong trường học, Chi cục ATVSTP TP.HCM phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra kỹ các trường học có phục vụ ăn uống cho học sinh.

ThS-BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM

Phạt 11 cơ sở vi phạm ATVSTP

Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP TP.HCM, trong tháng 2-2016 chi cục đã phạt 11 cơ sở vi phạm các điều kiện ATVSTP.

Trong đó, cơ sở sản xuất nước đá Văn Dũng (39/3C tổ 11, khu phố 2, Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, quận 7) bị phạt với số tiền cao nhất: 22 triệu đồng. Lý do: Vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; các quy định về công bố sản phẩm, tiêu chuẩn sức khỏe, vệ sinh cơ sở; sản xuất thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

Võ Lâm

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM