Lờ đi tình trạng ho khan, người đàn ông lỡ "giai đoạn vàng" chữa ung thư

Minh Nhật

(Dân trí) - Ho khan suốt nhiều tháng liền, người đàn ông nghiện thuốc vẫn một mực nghĩ rằng đó chỉ là viêm phế quản. Cho đến khi vào bệnh viện thăm khám, khối u ở phổi đã chuyển sang giai đoạn cuối.

Ông Song, 56 tuổi, người Trung quốc, suốt 6 tháng nay luôn bị ho khan. Dù tình trạng này gây ra nhiều phiền toái nhưng ông Song vẫn mặc kệ, vì nghĩ chỉ là viêm phế quản thông thường.

Mỗi lần vợ của ông giục đến viện khám, ông Song luôn lấy cớ rằng, ho khan là triệu chứng bình thường của những người hút thuốc.

Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng trở lại đây, ông Song cảm thấy các triệu chứng khó chịu ngày càng tăng. Bên cạnh tình trạng ho khan trở nặng, người đàn ông này còn bị tức ngực, chán ăn và sụt cân. Những tín hiệu cảnh báo đáng quan ngại này khiến ông Song phải đến bệnh viện.

Lờ đi tình trạng ho khan, người đàn ông lỡ giai đoạn vàng chữa ung thư - 1

Qua thăm khám, ông được xác định mắc ung thư phổi, khối u nằm ở lá phổi trái. Đáng ngại hơn, khối u của ông đã phát triển một thời gian dài và đã bắt đầu di căn đến các bộ phận khác.

Ở giai đoạn này, việc điều trị không mang nhiều ý nghĩa. Các bác sĩ điều trị nhận định rằng, ông Song đến bệnh viện quá muộn, bởi đã 6 tháng từ khi ông ghi nhận các triệu chứng đầu tiên.

Từ trường hợp của ông Song, bác sĩ điều trị lưu ý rằng, nhiều người vẫn lầm tưởng tức ngực mới là triệu chứng điển hình của ung thư phổi. Tuy nhiên, ung thư phổi giai đoạn đầu hiếm khi gây ra những cơn đau tức ngực.

“Dấu hiệu đầu tiên của ung thư phổi thường là ho khan. Ho khan xảy ra do khối u kích thích vào niêm mạc phế quản nên dẫn đến phản xạ ho. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lại lầm tưởng rằng mình bị viêm phế quản nên tự điều trị tại nhà dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn”, vị bác sĩ này cho hay.

Bên cạnh ho khan, một số triệu chứng khác cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư phổi, bao gồm:

- Ho kéo dài không rõ nguyên nhân

- Ho ra máu

- Đau ngực

- Khó thở

- Gầy yếu, sút cân

Tuy nhiên, vì những triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh không điển hình, nên thường bị bỏ sót, chẩn đoán nhầm. Tại Việt Nam, có tới 80-90% số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn. Lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hoá chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, giải pháp tốt nhất để phòng ngừa ung thư phổi chính là tập thói quen định kỳ khám sàng lọc ung thư.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có gần 2,1 triệu người mắc ung thư phổi, trong đó có tới 1,8 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 23.000 người mắc mới ung thư phổi nhưng có tới 88% tử vong, tương đương gần 21.000 người.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm